Ông Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 27/4. Đây là kết quả của nỗ lực ngoại giao liên tục của hai miền trên bán đảo Triều Tiên kể từ đầu năm nay. Cuộc gặp này diễn ra trước khi ông Kim gặp gỡ Tổng thống Mỹ Trump, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
"Thảo luận giữa ông Moon và ông Kim có thể chỉ tập trung vào hòa bình và hợp tác kinh tế. Lãnh đạo Triều Tiên dường như không từ bỏ vũ khí hạt nhân, dựa trên tuyên bố của ông trong cuộc họp của Đảng cầm quyền tuần trước", ông Joshua Pollack, chuyên gia tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Middlebury, Mỹ, nhấn mạnh khi trao đổi với VnExpress.
Trong báo cáo trình cho đảng Lao động Triều Tiên hôm 20/4, ông Kim Jong-un nói rõ ông dừng thử vũ khí vì Triều Tiên đã hoàn thành việc xây dựng biện pháp răn đe hạt nhân. Ông gọi kho vũ khí Triều Tiên là "thanh gươm có giá trị mạnh mẽ để bảo vệ hòa bình" và là một chính sách bảo đảm để thế hệ tương lai "có thể tận hưởng cuộc sống đàng hoàng và hạnh phúc nhất trên thế giới".
Theo ông Pollack, cả Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên dường như đều cam kết mạnh mẽ về việc đạt được kết quả tích cực trong cuộc gặp ngày mai. Bên cạnh việc có thể chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh từ năm 1953, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng có thể công nhận lẫn nhau về một số vấn đề.
Bình Nhưỡng có thể muốn Seoul rút khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế, vốn có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Triều Tiên. Nhưng đây là vấn đề nhạy cảm với Hàn Quốc, nước này có thể không muốn thay đổi quá nhanh. Trong khi đó, Mỹ phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động dỡ bỏ cấm vận nào với Triều Tiên đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
"Vì thế không có tiến triển thực sự trong cuộc gặp Moon - Kim trừ khi Hàn Quốc quyết định cắt đứt quan hệ với Mỹ", ông Pollack nhận định.
Giải thích rõ hơn lý do lãnh đạo Triều Tiên khó từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, ông Ken Gause, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế, Tổ chức phân tích CNA, Mỹ, cho biết việc phát triển chương trình này đã được quy định trong Hiến pháp của Triều Tiên. Vũ khí hạt nhân gắn trực tiếp với tính hợp pháp của vị trí mà ông Kim nắm giữ. Nếu lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ nó ngay từ lúc đầu thảo luận, ông ấy sẽ phải trả một cái giá cao về chính trị trong nội bộ chế độ của nước này. Do đó, Kim Jong-un có thể có thiện chí đóng băng chương trình hạt nhân, thậm chí có thể dỡ bỏ các phần của chương trình. Đổi lại, lãnh đạo Triều Tiên muốn có sự đảm bảo về kinh tế và an ninh, nhưng Mỹ lại chưa sẵn lòng đáp ứng.
"Hy vọng là đối thoại giữa ông Moon và ông Kim sẽ giúp làm rõ tính toán của ông Kim, giúp chúng ta hiểu ông Kim có ý gì về phi hạt nhân hóa", ông Gause nói.
Mặc dù tỏ ra lạc quan về kết quả cuộc gặp giữa lãnh đạo hai miền trên bán đảo Triều Tiên, Giáo sư kiêm nhiệm William Brown tại Đại học Georgetown, Mỹ, cảnh báo truyền thông và một số chính trị gia đang tạo nên những kỳ vọng quá mức. Ông Brown cho rằng kết quả tốt của cuộc họp sẽ mở ra cơ hội ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Trump gặp mặt, trao đổi nghiêm túc về vũ khí hạt nhân. Tổng thống Hàn Quốc Moon sẽ không quá ép buộc lãnh đạo Kim và cũng không dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay viện trợ gì cho Bình Nhưỡng, vì đó là những điều Tổng thống Mỹ không muốn.
Ông Benjamin Katzeff Silberstein, Đại học Pennsylvania, Mỹ, cũng cho rằng khả năng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là rất thấp. Ông cũng dự đoán có thể lãnh đạo Triều Tiên sẽ cam kết có một số hạn chế về chương trình này.
Tác động đến cuộc gặp Trump - Kim
Nghi ngờ về tính khả thi của cuộc họp giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ vì hai bên vẫn còn quá khác biệt, ông Pollack ở Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Middlebury đánh giá nếu nó diễn ra thì hai bên cũng chỉ thông qua những gì mà ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc nhất trí trong cuộc gặp ngày 27/4.
Ông William Brown dự đoán khi gặp ông Moon và kể cả họp với ông Trump, lãnh đạo Triều Tiên sẽ không nêu cam kết gì nhiều hơn điều ông đã tuyên bố hôm 21/4 về ngừng thử hạt nhân và tên lửa. Có thể các bên sẽ tổ chức các cuộc họp dành cho các chuyên gia để tìm ra giải pháp.
Chuyên gia Gause lo ngại nếu thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên không thành công thì kết quả đạt được trong cuộc họp giữa Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên có thể bị hủy hoại.
Ca ngợi nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc trong việc chuẩn bị để Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau, ông William Brown gợi ý ông Moon nên cư xử cầm chừng, giải thích về trông đợi của ông Trump và có thể đề nghị tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khác tại Seoul vào mùa thu năm nay, nơi Mỹ và Triều Tiên có thể bàn về các vấn đề thực chất hơn.
Ông Benjamin Katzeff Silberstein đánh giá nếu Tổng thống Mỹ không tạo được tiến triển khi gặp lãnh đạo Triều Tiên sau khi cuộc họp giữa ông Kim và ông Moon có kết quả tốt, Washington có thể trông giống như "chướng ngại vật" trên bán đảo Triều Tiên.
"Cuộc họp thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có vai trò rất quan trọng trong chuẩn bị họp Mỹ - Triều. Tổng thống Moon có thể rút ra những kinh nghiệm từ đây để giúp người đồng cấp Mỹ Trump chuẩn bị trước khi gặp ông Kim", ông Ken Gause gợi ý.
Việt Anh