Theo Báo cáo Cảm xúc toàn cầu 2018 của công ty tư vấn Gallup (Washington, Mỹ), cho thấy 22% người được khảo sát luôn cảm thấy tức giận, 39% cảm thấy lo lắng.
Tức giận là một trạng thái tâm lý cần thiết cho sự tồn tại của con người, nhưng dễ vượt khỏi tầm kiểm soát khi mức độ căng thẳng tăng lên. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến thế chất nhưng ít người nhận ra.
Nhịp tim và huyết áp tăng
Dễ thấy mỗi khi bạn cao giọng và xảy ra tranh cãi, nhịp tim sẽ tăng lên. Điều này có nghĩa là huyết áp tăng, khiến cơ thể có những phản ứng cơ bản như má đỏ, tĩnh mạch nổi trên da, bạn cũng thở nặng và nhanh hơn. Trong một số trường hợp, người tức giận có bàn tay và bàn chân lạnh hơn bình thường.
Hệ thống miễn dịch ảnh hưởng
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, ghi nhớ cuộc tranh cãi nảy lửa trong quá khứ sẽ làm giảm khả năng phòng vệ miễn dịch của bản thân trong 6 tiếng đồng hồ.
Do đó, những người hay nổi giận dễ bị ốm bởi hệ thống miễn dịch của họ yếu hơn. Điều này đồng nghĩa, sự gia tăng lo lắng, dễ khiến sức khỏe của con người gặp nguy hiểm lớn, nhưng hiếm người nhận ra.
Tức giận gây đau, mệt mỏi kéo dài
Tức giận khiến các chất hóa học gây căng thẳng tràn ngập trong não, trong khi cơ thể vẫn phải thực hiện quá trình trao đổi chất. Đó là lý do những người dễ tức giận thường bị đau đầu, lo lắng, mất ngủ và thậm chí là gặp các vấn đề về tiêu hóa. Họ cũng có nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim cao hơn.
La hét có thể gây cơn đau mãn tính
La mắng hoặc bị la mắng đều có hại với con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ - đối tượng dễ bị tác động và có những hành động lệch chuẩn.
Những người bị la mắng nhiều thời thơ ấu dường như có cấu trúc não khác biệt, trong các bộ phận xử lý âm thanh và ngôn ngữ. Họ có thể bị đau đầu mãn tính, gặp một số các vấn đề như đau lưng, cổ, đầu, thậm chí là viêm khớp.
Làm thế nào để ngăn sự tức giận?
Suy nghĩ trước khi nói: Nói ra những điều gây tổn thương đối phương là cách dễ nhất để thỏa cơn tức giận nhưng bạn sẽ sớm hối hận vì hành động thiếu suy nghĩ của bản thân.
Chia sẻ khi đã bình tĩnh: Đây là cách lành mạnh và hợp lý để cả hai hiểu nhau, tránh những xung đột ngoài ý muốn. Ngoài ra, bạn dễ dạng nhận được sự tôn trọng và lắng nghe từ đối phương.
Dành thời gian tìm các giải pháp khả thi: Nếu thấy quá tải, đừng để tâm trạng đó nhấn chìm, mà hãy tìm cách. Trong thời gian này hãy cố gắng suy nghĩ lý trí và tìm ra giải pháp cho các vấn đề. Mọi thứ đều có thể được giải quyết, miễn là bạn dành thời gian và tâm trí vào chúng.
Không ôm hận: Tha thứ giúp bạn giải phóng khỏi sự tức giận, căng thẳng mà một khoảnh khắc nào đó mang lại. Hãy nhớ mọi người đều nói và làm những điều không phải lúc nào cũng có ý nghĩa, nhưng luôn muốn được tha thứ.
Thử nhìn mọi việc một cách hài hước: Hài hước, vui vẻ không có nghĩa là mỉa mai, và bạn cần phân biệt rõ hai điều này. Đối mặt với những tình huống căng thẳng bằng sự hài hước sẽ giúp xoa dịu cơn tức giận, giúp bản thân tiếp nhận các vấn đề trong cuộc sống một cách hiệu quả.
Thực hành các bài tập thư giãn: Hít thở sâu, nghe nhạc thư giãn và làm những việc bản thân thấy dễ chịu.
Tìm kiếm sự giúp đỡ: Nếu bị mất kiểm soát quá độ, bạn có thể tìm sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý. Đây là cách tốt nhất giúp cơ thể thoát khỏi sự căng thẳng kéo dài.
Minh Hằng (Theo Brightside)