Cách mà mỗi người giận dữ khác nhau. Có người nói những lời nặng nề, có người đập phá đồ đạc, gào thét, có người tự hành hạ chính mình...
Tức giận là một dạng "tự tổn thương"
Y học cổ truyền Trung Quốc đúc kết: Mọi bệnh tật đều xuất phát từ tâm mà ra. Sự giận dữ, trên thực tế, có tác động lớn, gây hại đến các cơ quan nội tạng của một người. Thế nên người ta so sánh việc tức giận tương đương với việc tự tổn thương bản thân.
Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, trong vòng hai giờ đồng hồ từ khi cơn thịnh nộ bùng phát, nguy cơ đau tim có thể tăng gấp hai lần. Khi con người tức giận, lượng máu đổ về tim sẽ chuyển nhiều lên phần não và mặt, gây hiện tượng đỏ mặt, nóng đầu, bốc hỏa. Trong khi đó, lượng máu đổ về tim giảm đi, gây ra hiện tượng tim không co bóp nhịp nhàng, ảnh hưởng lớn đến cơ thể. Khi tức giận, cơ thể sản sinh ra catecholamine gây tổn thương gan, tác động xấu đến dạ dày, phổi... của bạn.
Thế nên, nóng giận là nguồn gốc của nhiều căn bệnh, thậm chí dần dần rút mòn sức khỏe, sinh lực của một người bình thường.
Tức giận làm tổn thương người khác
Tự bạn giận bạn, điều ấy là vô nghĩa. Bạn nổi giận với kẻ xấu xa và muốn bất chấp đòi công bằng, nhưng bạn có thể bị kẻ xấu đó "phản đòn", rồi chính mình thiệt hại. Bạn nổi giận với bạn bè, họ sẽ rời xa bạn. Bạn nổi giận với người ruột thịt, với bạn đời, họ tổn thương, khổ đau, bạn cũng chẳng hạnh phúc gì. Suy cho cùng, chỉ có bạn thiệt thòi nhất mà thôi.
Khi tức giận, con người thường không kiểm soát được lời mình nói, cách mình hành động. Thậm chí, vì nóng giận, nhiều người rơi vào cảm xúc tiêu cực, hành động mất trí, làm đau bản thân, làm đau những người xung quanh. Khi tức giận, chúng ta quên đi mọi hậu quả, mọi nguyên nhân, mà chỉ muốn xả cơn nóng giận trong mình. Hậu quả là, tự bản thân gây ra những chuyện mà sau đó chính mình phải hối hận.
Dân gian có câu: Nếu bạn đúng thì không cần phải tức giận. Nếu bạn sai, thì bạn không có tư cách để nổi giận. Thế nên, dù ở tình huống nào, hãy cố gắng bình tĩnh và đừng nóng nảy một cách không kiểm soát, bởi hậu quả sẽ khôn lường.
Làm thế nào để giảm bớt sự tức giận?
Không thể nào hoàn toàn tiêu trừ sự tức giận trong đời sống, vì đó cũng là một trong những cảm xúc phổ biến của con người. Tuy nhiên, tức giận thế nào là đủ?
Đại sư Nam Hoài Cẩn, một người nổi tiếng của Trung Quốc đã chia sẻ bí quyết của mình để giảm thiểu sự tức giận. Ông cho biết, mỗi khi bắt đầu tức giận, ông tập khí công ngay lập tức, các động tác bao gồm há miệng rồi thở ra trước, rồi hít vào bằng mũi. Sau khi nuốt vào, ông sẽ ngẫm nghĩ xem việc tức giận của mình như thế "có đáng không?".
Theo đại sư, khi một người tức giận, trong lòng người đó sẽ có một hơi thở "ngùn ngụt", vì thế việc thở ra, hít vào sẽ giúp cho họ điều hòa hơi thở, từ đó suy nghĩ tích cực hơn.
Cũng theo vị đại sư, những người có lòng dạ hẹp hòi, hay quan tâm đến việc người khác thì sẽ dễ nổi nóng vì những chuyện nhỏ nhặt. Vì thế, họ dễ làm tổn thương không chỉ bản thân, mà cả những người xung quanh. Thế nên, khi học cách sống cởi mở lòng mình, nhìn nhận mọi việc với tâm thế rộng mở, mỗi người cũng sẽ không dễ nổi nóng nữa.
Tức giận là hành vi "kém khôn ngoan", thế nên người xưa có câu "Cả giận mất khôn" là như vậy. Mỗi người cần phải tự mình điều chỉnh cảm xúc, bởi làm chủ được cảm xúc của mình thì mới thực sự là sự trưởng thành trong đời sống.
Thùy Linh (Theo Sina)