![]() |
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton tại Hội nghị APEC tại Vladivostok, Nga, hồi tháng 9. Ảnh: AP |
Cuộc gặp ngày 6/12 giữa ông Sergey Lavrov với bà Mỹ Hillary Clinton và ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về tình hình Syria, được cho là dấu hiệu cho thấy có thể Nga đang xem xét lại sự ủng hộ của mình đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Giới quan sát cho rằng đây có thể là chỉ dấu cho thấy tình hình quân sự của chính phủ Syria đang suy yếu dần.
Cho đến nay, Nga vẫn bác những đề nghị của Liên Hợp Quốc và các nước khác yêu cầu từ bỏ ông Assad, và Nga tỏ ra tin rằng ông Assad có thể đánh bại được lực lượng kháng chiến và giữ được chính phủ Syria an toàn. Nga là đối tác quân sự và thương mại chính của Syria, và luôn khẳng định quan điểm phản đối biện pháp mạnh hơn của Liên Hợp Quốc nhằm buộc ông Assad phải chấm dứt chiến tranh và ra đi.
Cuộc gặp ba bên không đưa ra một quyết định công khai nào, nhưng quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng cuộc họp mang tính xây dựng, còn đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về Syria thì nói rằng các bên đã tìm kiếm một giải pháp “sáng tạo” cho cuộc khủng hoảng ở Syria.
Cuộc họp diễn ra giữa lúc có những lo ngại mới cho rằng chính quyền tuyệt vọng của ông Assad có lẽ sẽ tìm cách sử dụng vũ khí hóa học để chống lại lực lượng kháng chiến hoặc dân thường. Chính phủ Syria đã bác bỏ thông tin này.
Phát biểu trước khi cuộc họp diễn ra, Ngoại trưởng Clinton nói: “Tình hình trên thực địa tại Syria đang gia tăng, và chúng ta nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau. Sức ép đối với chế độ ở trong và xung quanh Damascus dường như ngày một tăng. Chúng tôi đã nói rõ quan điểm của mình đối với vấn đề vũ khí hóa học”. Tổng thống Obama đã cảnh cáo chính phủ Syria rằng việc sử dụng những loại vũ khí như vậy sẽ “vi phạm vạch đỏ” và kích hoạt sự can thiệp của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng được hỏi liệu lời đe dọa đó có chắc chắn không. Ông Panetta không cho biết các tin tức tình báo mới nào mà ông nhận được về ý định của ông Asad, nhưng ông nói tại một cuộc họp báo tại Washington rằng tình hình đó đủ để Mỹ lo ngại.
Trong tuần này, các quan chức khác của chính phủ Mỹ nói rằng các cơ quan tình báo của Mỹ đã phát hiện ra rằng chính quyền Assad đã chuẩn bị kho vũ khí hóa học để đưa vào sử dụng. Theo các báo cáo của các nhóm nhân quyền, cho đến nay đã có 40.000 người chết kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy vào tháng 3 năm ngoái.
![]() |
Những người nổi dậy Syria cầm súng và hô khẩu hiệu chống chính quyền của ông Assad sau khi quân đội nã pháo vào thành phố Aleppo hồi tháng 10. Ảnh: AFP |
Cuộc họp ba bên được triệu tập theo đề nghị của Đặc phái viên Liên hợp quốc. Ông và những người sẽ được gọi là kiến tạo hòa bình nói rằng một giải pháp lâu bền đòi hỏi một thỏa thuận giữa Mỹ và Nga. Mỹ là bên có vai trò lớn nhất trong việc quyết định bất kỳ một phản ứng quốc tế hay can thiệp nào vào Syria, và Nga là người "đỡ đầu" cho Syria.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên nói rằng cuộc gặp ba bên đã tập trung vào việc "làm thế nào để có thể hỗ trợ chuyển tiếp chính trị một cách thực tế" và rằng các quan chức Mỹ và Nga sẽ gặp lại nhau với ông Brahimi trong vài ngày tới “để thảo luận những vấn đề cụ thể nhằm thúc đẩy công việc này”.
Cuộc trao đổi Mỹ - Nga được tổ chức bên lề một cuộc họp không liên quan của Tổ chức giám sát bầu cử của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.
Cuộc họp diễn ra trước cuộc gặp của Nhóm những người bạn của Syria được phương Tây hỗ trợ sẽ được tổ chức ở Morocco vào tuần tới, trong đó Mỹ dự kiến sẽ công nhận lực lượng đối lập của Syria đã được cơ cấu lại như là một thực tể kế tiếp của chế độ Assad.
Nga rất có thể sẽ không ủng hộ bất kỳ một hành động quân sự nào chống lại chính quyền Syria, và các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng hành động quân sự không phải là mục tiêu của họ. Cũng vẫn chưa rõ liệu Nga có dự kiến rút ủng hộ đối với chính quyền Assad hay không, nhưng việc Ngoại trưởng Lavrov sẵn sàng tham dự cuộc họp này cho thấy Kremlin đang thăm dò các sự lựa chọn cho mình.
Đặc phái viên Brahimi đã yêu cầu Hội đồng bảo an ra một nghị quyết dựa trên một thỏa thuận về việc các cường quốc thế giới đã nhất trí thành lập một chính phủ chuyển tiếp Syria hồi tháng 6 vừa qua nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Văn kiện đó đã không nói cụ thể về việc ông Assad sẽ đóng vai trò nào, nếu có, trong một chính quyền như vậy.
Các quan chức Mỹ nói rằng một quyết định mạnh hơn của Liên hợp quốc sẽ gây áp lực mạnh hơn buộc ông Assad ra đi. Nếu Nga đồng ý đối với những biện pháp như vậy, Tổng thống Syria không nhận được sự ủng hộ có ý nghĩa nào của quốc tế.
Một sự can thiệp của Nga chỉ có thể xảy ra nếu Tổng thống Vladimir Putin kết luận rằng chính phủ Syria sẽ bị đánh bại. Putin muốn bảo đảm rằng Nga sẽ tiếp tục sử dụng căn cứ hải quân của mình và quan hệ thương mại vẫn được tiếp tục thậm chi sau khi Assad ra đi. Các chuyên gia nói rằng cách mà Moscow giữ được ảnh hưởng là kết hợp với các nỗ lực quốc tế để thúc đẩy và vạch kế hoạch cho việc ra đi của ông Assad.
Phạm Ngọc Uyển (Theo WP)