Theo người nhà, trước đây bệnh nhân đã từng mổ hở lấy sỏi san hô thận phải. Bác sĩ Tạ Hữu Nghĩa, Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết bệnh nhân có sỏi san hô thận trái cùng với sỏi tái phát ở thận phải khiến ứ nước trầm trọng ở hai thận, dẫn đến tình trạng suy thận cấp, người bệnh tiểu ít, gần như vô niệu.
"Ngoài ra ứ mủ do nhiễm trùng lâu ngày, là nguyên nhân chính gây sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp, người bệnh nguy kịch, thậm chí có thể dẫn đến tử vong do sốc nhiễm trùng và suy thận nặng", bác sĩ Nghĩa phân tích.
Các bác sĩ cấp cứu, nội soi đặt 2 sonde niệu quản để thoát lưu mủ thận phải và nước tiểu, giải quyết tình trạng nhiễm trùng và suy thận.
Sau hơn một tuần hồi sức, người bệnh đã hồi phục tốt. Tình trạng nhiễm trùng cải thiện dần rõ qua mỗi ngày, chức năng thận phục hồi nhanh chóng, đã được xuất viện. Sau khi sức khỏe ổn định, người bệnh cần tán sỏi thận phải và phẫu thuật mổ sỏi san hô thận trái về sau để giải quyết triệt để tình trạng bệnh.
Bác sĩ Tạ Hữu Nghĩa cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu đã tiếp nhận hơn 5 trường hợp phải đặt sonde niệu quản cấp cứu.
Do đó, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo người dân cố gắng theo dõi sức khỏe thường xuyên, siêu âm sỏi thận định kỳ để có phác đồ, phương hướng điều trị sớm. "Người bệnh không nên chủ quan, dẫn đến khi nhập viện cấp cứu tình trạng bệnh diễn biến nặng sẽ rất khó điều trị", bác sĩ lưu ý.
Lê Cầm