Bệnh nhân cho biết đã chậm kinh nguyệt 10 ngày, khám tại phòng khám tư được chẩn đoán thai 5 tuần tuổi. Đã có hai con nên chị quyết định bỏ thai.
Bác sĩ ở phòng khám tư kê thuốc uống phá thai cho bệnh nhân. Khoảng một giờ sau khi uống thuốc vào buổi trưa theo hướng dẫn, bệnh nhân ra nhiều cục lẫn máu tươi, nghĩ là tác dụng của thuốc nên ở nhà theo dõi. Chiều cùng ngày, tình trạng ra máu không giảm, bệnh nhân mệt mỏi, chóng mặt, được bác sĩ phòng khám hướng dẫn uống nước mía và thuốc panadol. Đến tối chị đau bụng âm ỉ, ra máu âm đạo nhiều, vào Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí cấp cứu.
Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhân bị băng huyết do phá thai bằng thuốc, phải nạo buồng tử cung cầm máu và truyền 3 đơn vị máu.
Ngày 3/12, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, không còn đau đầu chóng mặt.
Bác sĩ Đặng Ngọc Dương, Phó Trưởng khoa Phụ khoa, cho biết bệnh nhân nếu không được cấp cứu và bổ sung máu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng do mất máu nhiều.
Theo bác sĩ, người bệnh sử dụng thuốc phá thai không có sự theo dõi của y bác sĩ chuyên khoa dễ dẫn đến tai biến như sót nhau, sót thai và băng huyết sau phá thai.
Bác sĩ khuyến cáo những trường hợp cần bỏ thai phải tiến hành ở cơ sở y tế có uy tín và áp dụng phương pháp phù hợp, tránh biến chứng nguy hiểm do phá thai không an toàn như băng huyết, nhiễm trùng, tổn thương cổ tử cung, tử cung hoặc các tổ chức trong vùng bụng, viêm nhiễm bộ phận sinh dục làm tắc vòi trứng, dính buồng tử cung, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Thúy Quỳnh