Sút xa từng là một vũ khí đáng sợ của Thái Lan, mỗi khi đối đầu Việt Nam trong quá khứ. Từ Tawan Sripan và Natipong Sritong-In ở SEA Games 18, Damrong-Ongtrakul và Dusit Chalermsan ở SEA Games 20 đến Datsakorn Thonglao và Pipat Thonkanya ở AFF Cup 2007, hay Pokklaw Anan và Kroekrit Thaweekarn ở vòng loại World Cup 2018. Ý niệm về Thái Lan là những cú sút xa khiến giới mộ điệu Việt Nam thổn thức.
Những lúc thế trận giằng co, những cú sút xa có thể giúp đội bóng cởi bỏ nút thắt trận đấu và khiến đối thủ suy sụp tinh thần. Trong khi Thái Lan đã ghi trên dưới chục bàn mỗi khi gặp Việt Nam, điều ngược lại hiếm khi xuất hiện.
Sút xa vốn không phải thế mạnh của cầu thủ Việt Nam, nhưng vũ khí này dần được họ mài giũa ở V-League. Cùng kỳ năm ngoái, V-League chứng kiến 27 bàn từ ngoài cấm địa, trong đó chỉ 13 bàn do cầu thủ nội ghi, chiếm 48%. Mùa này, cầu thủ nội đã ghi 19 trong 25 bàn từ ngoài cấm địa, chiếm đến 76%.
Chất lượng sút xa của cầu thủ nội nâng lên phần nhiều nhờ vào các cầu thủ HAGL. Cả mùa trước, không cầu thủ nào của HAGL sút xa thành bàn. Nhưng mùa này, họ đã ghi năm bàn, chiếm 20% số bàn sút xa của V-League.
HAGL cũng ghi nhiều bàn nhất từ ngoài cấm địa mùa này, trong khi hai đội đứng sau là Bình Dương và Nam Định mới ghi ba bàn. Trùng hợp khi HLV của HAGL là Kiatisuk Senamuang, một trong những cầu thủ sút xa đáng sợ của Thái Lan năm xưa. Nếu như sút xa từng là nỗi sợ của Việt Nam khi đối mặt Thái Lan, giờ đây nó trở thành nỗi sợ của các CLB V-League khi gặp HAGL.
Cả năm bàn sút xa của HAGL mùa này đều xoay chuyển cục diện trận đấu. Đầu tiên là cú sút mua lai má bằng chân trái của Công Phượng từ 26 mét, mở tỷ số trong trận thắng chủ nhà Viettel 3-0 tại vòng 5. Còn ở bốn vòng gần nhất, các cầu thủ phố núi không còn giữ miếng nữa. Văn Toàn xé lưới để mở tỷ số trước Đà Nẵng với cú sút từ cự ly 29 mét. Rồi Minh Vương vô-lê từ rìa cấm địa để nâng tỷ số lên 2-0 trước Nam Định. Sau đó Xuân Trường ghi bàn duy nhất vào lưới Hà Nội với cú sút kiểu chặt bóng từ 26 mét. Gần nhất lại là Minh Vương mở tỷ số trên sân Thanh Hoá với cú cứa lòng ở cự ly 24 mét.
Ngoài bàn của Minh Vương vào lưới Nam Định, bốn bàn còn lại đều mở tỷ số, và tới sau những pha dàn xếp để đặt người sút vào vị trí thuận lợi chứ không phải đá cầu may. Công Phượng ghi bàn từ một pha phản công, và anh dám sút ngay cả bằng chân không thuận. Văn Toàn lập công từ một đường chuyền xuyên tuyến của Triệu Việt Hưng, và tận dụng việc trung vệ Đà Nẵng không che chắn tốt. Xuân Trường toả sáng nhờ một tình huống gây áp lực của HAGL sau tình huống Hà Nội phát bóng. Rồi Minh Vương kết thúc đợt triển khai nhanh từ biên trái vào với cú cứa lòng trong tư thế trống trải vào lưới Thanh Hoá.
Không rõ Kiatisuk đã làm gì để kích hoạt khả năng sút xa của học trò, nhưng lối chơi của HAGL có thể tạo cho cầu thủ cơ hội sút thuận lợi. Trung bình họ chỉ cần 4,8 pha dứt điểm để ghi một bàn mùa này, hiệu suất chỉ sau Nam Định. Còn hiệu suất trung bình của V-League là 9,2 pha dứt điểm cho một bàn.
Công Phượng, Xuân Trường, Minh Vương hay Tuấn Anh cũng từng nhiều lần sút xa thành bàn trước đây. Nhưng dưới thời Kiatisuk, họ chăm sút hơn và có nhiều góc độ và tư thế thoáng để cú sút đó dễ thành bàn hơn. Và nếu cầu thủ HAGL đem theo sự tự tin này lên đội tuyển, Việt Nam sẽ có thể hưởng lợi ở vòng loại World Cup 2022 sắp tới. Những siêu phẩm như của Tiến Linh vào lưới UAE tại Mỹ Đình có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn và giúp Việt Nam phá thế giằng co.
Xuân Bình