Khái niệm "cộng đồng quốc tế" lâu nay vẫn gây tranh cãi về ý nghĩa cũng như tính thực tiễn của nó. Cuộc giải cứu 12 thành viên đội bóng nhí cùng huấn luyện viên mắc kẹt trong hang ở Thái Lan đã chứng minh khái niệm này thực sự tồn tại và nó đã tạo ra một "kết thúc có hậu", theo tạp chí Globalist.
Nỗ lực quốc tế
Chính quyền địa phương và trung ương Thái Lan chắc chắn đã nỗ lực hết sức và đóng góp đáng kể cho chiến dịch 18 ngày giải cứu đội bóng nhí Lợn Hoang mắc kẹt ở hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai, đặc biệt phải kể đến các đặc nhiệm SEAL.
Tuy nhiên, cây bút Stephan Richter và Uwe Bott từ Globalist cho rằng những nỗ lực của Thái Lan có thể sẽ không sớm thu được kết quả nếu thiếu sự chung tay, góp sức của những chuyên gia, tình nguyện viên ở khắp nơi trên thế giới. Các nước tham gia chiến dịch giải cứu gồm Mỹ, Anh, Australia, Israel, Trung Quốc, Phần Lan, Nhật Bản, Đức, cùng một số quốc gia khác.
Khoảng 90 thợ lặn đã tham gia chiến dịch ở Chiang Rai, 50 trong số này là người nước ngoài. Trong 18 người được chọn để vào hang giải cứu 12 thiếu niên và huấn luyện viên cũng có 13 thợ lặn nước ngoài, 5 người còn lại thuộc đặc nhiệm SEAL Thái Lan.
Cứu hộ toàn cầu
Hai thợ lặn giỏi nhất thế giới John Volanthen và Rick Scanton đến từ Anh chính là những người đầu tiên phát hiện ra đội bóng nhí trong hang hôm 2/7. Họ còn kêu gọi thêm một đồng nghiệp Australia tham gia cùng mình.
Richard Harris, bác sĩ gây mê, là một trong những thợ lặn hang động giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Bên cạnh đó, ông còn mang tới những kiến thức chuyên môn về y tế rất hữu ích phục vụ cho chiến dịch giải cứu các thiếu niên Thái Lan.
Ivan Karadzic, nhà hướng dẫn lặn chuyên nghiệp Đan Mạch đang điều hành một trường dạy lặn ở Thái Lan, cũng góp sức, bên cạnh người bạn Mikko Baasi, bay đến từ Malta. Baasi rời Malta để tới tham gia chiến dịch giải cứu vào đúng dịp kỷ niệm 8 năm ngày cưới.
Ngoài ra, thợ lặn người Israel sống tại Thái Lan Rafael Aroush cùng chuyên gia lặn hang động Đức Nick Vollmar chắc chắn là hai cái tên không thể không nhắc tới.
Khu lán trại tập trung các tình nguyện viên và binh sĩ gần hang Tham Luang có tới 2.000 người túc trực. Một nông dân chăn nuôi lợn, sống cách hiện trường giải cứu khoảng 30 km, không ngại tìm đến để nấu ăn cho lực lượng cứu hộ, từ 6h sáng tới nửa đêm. Ông ước tính đã phục vụ khoảng 400 suất ăn mỗi ca. Hầu hết thực phẩm đều do ông tự mang tới.
Trong hơn hai tuần, đội cứu hộ đã lập nên một hệ thống bơm nước khỏi hang với quy mô công nghiệp. Họ khoan lỗ vào khu vực nơi các thiếu niên được tìm thấy để tăng lượng oxy trong hang, vốn đã bị giảm xuống chỉ còn 15%, thấp hơn 6% so với mức bình thường. Họ nối những đoạn dây thừng dài giúp dẫn đường trong hang tối để cuối cùng các thợ lặn có thể đưa đội bóng nhí ra ngoài an toàn.
Thợ lặn chật vật luồn lách trong hang đội bóng nhí Thái Lan mắc kẹt.
Hỗ trợ kỹ thuật
Đảm bảo liên lạc là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của chiến dịch giải cứu. Điện thoại di động hay các bộ đàm quân sự thông thường đều trở nên vô dụng khi vào sâu bên trong hang.
Đây là lúc Maxtech Networks vào cuộc. Công ty công nghệ Israel này đã phát triển những bộ đàm hoạt động tốt ở những môi trường kém thân thiện và có thể kết nối trực tiếp với nhau, không cần thông qua trạm trung gian.
17 máy bộ đàm đã được chuyển tới Thái Lan cùng một kỹ sư của Maxtech, có nhiệm vụ dạy lực lượng cứu hộ cách sử dụng. Tất cả đều miễn phí.
Công ty Mỹ giúp vẽ bản đồ hang động các thiếu niên Thái Lan mắc kẹt.
Kết quả không thể tốt đẹp hơn sau những nỗ lực của cộng đồng quốc tế cũng như chính quyền Thái Lan là 12 thiếu niên cùng huấn luyện viên đã rời khỏi hang an toàn và nay chỉ chờ để trở về bên gia đình.
"Rõ ràng, cộng đồng quốc tế thực sự tồn tại song không có một cơ chế tự động nào để thực hiện nó. Phần lớn, nó dựa trên cơ sở tự nguyện. Nhưng khi xảy ra, nó luôn mạnh mẽ và tuyệt vời trong từng hành động", hai cây bút Stephan Richter và Uwe Bott từ Globalist bình luận.