Triều Tiên bắn thử tên lửa chống hạm hiện đại
Truyền thông Triều Tiên ngày 23/4 tuyên bố lực lượng quân đội nước này sẽ sẵn sàng "đánh chìm một tàu sân bay hạt nhân Mỹ chỉ bằng một đòn". Dù Bình Nhưỡng không nói rõ họ sẽ thực hiện đòn tấn công đó như thế nào, các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng tuyên bố này phần nào thể hiện được sức mạnh không thể khinh thường của hải quân Triều Tiên.
Hải quân Triều Tiên (KPN) được coi là một lực lượng "biển xám", hoạt động chủ yếu ở vùng biển cách bờ khoảng 50 km. KPN được biên chế khoảng 810 tàu chiến, gồm ba tàu hộ vệ và nhiều tàu chiến cỡ nhỏ, cùng khoảng 70 tàu ngầm các loại, có thể là mối đe dọa đối với tàu chiến Mỹ - Hàn Quốc hoạt động gần bờ.
Mối nguy hiểm lớn nhất mà KPN có thể gây ra cho đối phương chính là những đòn tấn công bí mật được phát động từ tàu ngầm, theo Business Insider.
Năm 2010, tàu hộ vệ Cheonan hiện đại của hải quân Hàn Quốc đã bị một chiếc tàu ngầm Triều Tiên sử dụng ngư lôi CHT-02D trang bị đầu dò bám vệt sóng tàu đánh đắm, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng. Chuyên gia quân sự Dave Majumdar cho rằng đây là bằng chứng cho thấy tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc khôn thể coi thường mối đe dọa từ các cuộc phục kích của tàu ngầm Triều Tiên.
Hạm đội tàu ngầm Triều Tiên thương có nhiệm vụ phá hoại tuyến liên lạc biển, rải mìn, tấn công tàu mặt nước của đối phương và hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm xâm nhập Hàn Quốc.
Triều Tiên gần đây đã phát triển khả năng tấn công dưới nước, bắt đầu bằng việc chế tạo các tàu ngầm và tàu lặn mới, cũng như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và ngư lôi thế hệ mới. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Bryan McGrath cho rằng tàu ngầm Triều Tiên vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, độ ồn cao, có thể bị phát hiện bằng các loại cảm biến hiện đại và bị vô hiệu hóa trong các đòn tấn công phủ đầu.
Đội tàu mặt nước của KPN không có nhiều uy lực, chủ yếu là các tàu nhỏ, tốc độ cao như tàu tên lửa, phóng lôi, tàu pháo tuần tra và yểm trợ hỏa lực, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và hỗ trợ hoạt động đổ bộ. Những tàu này dễ bị phát hiện và chế áp bằng hỏa lực mạnh, có tầm bắn xa của liên quân Mỹ - Hàn.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã đạt nhiều bước tiến trong phát triển lực lượng tàu nổi. Cuối năm ngoái, một tàu hộ vệ tên lửa với thiết kế tàng hình được phát hiện tại cảng Najin, đông bắc nước này. Nó có nét giống tàu hộ vệ tên lửa lớp Tabinshwehti của Myanmar, điểm khác biệt là tàu Triều Tiên không có khoang chứa trực thăng chống ngầm.
Triều Tiên có thể đóng ít nhất 4 tàu hộ vệ tàng hình nhằm hiện đại hóa hải quân. Chúng được coi là thành tựu của 20 năm nghiên cứu thử nghiệm, đồng thời cho thấy hướng đi mới của công nghiệp đóng tàu Triều Tiên. Bên cạnh đó, nước này từng công bố video bắn thử một tên lửa hành trình chống hạm giống hệt mẫu 3M24 Uran (SS-N-25 Switchblade) do Nga chế tạo.
Hải quân Triều Tiên có thể thực hiện các chiến dịch đổ bộ bí mật với quy mô vừa. Bình Nhưỡng được cho là có 260 tàu các loại cho nhiệm vụ này, bao gồm tàu đệm khí (LCAC) và tàu đổ bộ tốc độ cao. Nhiệm vụ của họ là đưa lực lượng đặc nhiệm thâm nhập vào lãnh thổ đối phương, tấn công cơ sở quân sự mang tính chiến lược, chiếm giữ các vị trí trọng yếu trên khu vực bờ biển để đổ bộ.
Về cơ bản, hải quân Triều Tiên không phải là mối đe dọa quá nghiêm trọng, nhưng tiềm ẩn sức mạnh không thể coi thường bằng các đòn tấn công bất ngờ, Majumdar nhận định. "Nếu liên quân Mỹ - Hàn chủ quan, họ sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng", chuyên gia này nhấn mạnh.
Hòa Việt