Trong hai thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc về kinh tế và địa chính trị toàn cầu, khi sự trỗi dậy của các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã tạo ra một đối trọng ngày càng tăng đối với sự thống trị truyền thống của G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy).
Cán cân quyền lực kinh tế và địa chính trị của hai khối này bắt đầu có những tín hiệu thay đổi mới sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS vào tuần trước tại Johannesburg, Nam Phi. BRICS công bố quyết định mời 6 quốc gia vào khối, gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Arab Saudi và UAE. Tư cách thành viên của họ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Khối mới sẽ đại diện cho 46% dân số, chiếm 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới tính theo danh nghĩa và 37% GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói việc mở rộng mang lại sức sống mới cho cơ chế hợp tác và phát triển của BRICS.
Một số thành viên được phê duyệt nhìn thấy triển vọng tăng trưởng. Ethiopia là nước có thu nhập thấp duy nhất trong nhóm. Thủ tướng Abiy Ahmed mô tả đây là "khoảnh khắc tuyệt vời" đối với đất nước ông.
Argentina đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng, tư cách thành viên có thể là lối ra tiềm năng để thoát khỏi khủng hoảng. Tổng thống Alberto Fernández, cho biết đây là một "kịch bản mới" cho đất nước. "Chúng tôi được mở ra khả năng tham gia các thị trường mới, củng cố các thị trường hiện có, tăng cường đầu tư, tạo việc làm và tăng nhập khẩu", ông nói.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết hội nghị đã nhất trí về "các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn của quá trình mở rộng BRICS ". Tuy nhiên, những tiêu chí đó không được giải thích. Ví dụ Indonesia, với dân số 274 triệu người và có nền kinh tế lớn ở châu Á, đã nộp đơn xin tham gia nhưng không được duyệt đợt này.
Gustavo de Carvalho, nhà phân tích chính sách và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, cho biết các thành viên mới sẽ không chỉ nâng cao tầm nhìn của khối mà còn tạo cơ hội cho những người tham gia liên minh giao dịch bằng tiền tệ của nhau thay vì USD.
Tổng thống Brazil Da Silva cho biết BRICS tiếp tục nghiên cứu khả năng tạo ra một loại tiền tệ của khối, điều này có thể "tăng các lựa chọn của chúng tôi về một phương tiện thanh toán và giảm bớt các lỗ hổng".
Với thành viên hiện hữu, việc mở rộng cũng mang đến lợi ích riêng. Ryan Berg, Giám đốc chương trình châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết quyết định mở rộng là một chiến thắng đối với Trung Quốc và Nga vì họ đã vận động việc này hơn 5 năm qua.
"Điều này cho phép Trung Quốc tiếp tục xây dựng những gì được hy vọng là một trật tự lấy Bắc Kinh làm trung tâm. Còn với Nga - nước sẽ đăng cai tổ chức vào năm tới, coi đây là cơ hội to lớn trong thời điểm bị cô lập đáng kể", ông nói.
Điều thú vị là việc bổ sung không ảnh hưởng quá nhiều đến cơ cấu hiện tại của khối. BRICS mới vẫn tiếp tục bị Trung Quốc và Ấn Độ thống trị cả về dân số và kinh tế. Kết hợp lại, sáu thành viên mới sẽ chiếm khoảng 10% tổng GDP của khối, vì Arab Saudi là "tân binh" duy nhất có nền kinh tế nghìn tỷ USD.
Trong một thời gian dài, G7 chi phối quyền quản lý và ra quyết định đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi các thành viên BRICS tăng trưởng nhanh chóng, ảnh hưởng và tham vọng chung của họ bắt đầu tăng lên.
Sự trỗi dậy kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc nói riêng đã định hình lại chuỗi thương mại, đầu tư và cung ứng toàn cầu. Năng lực sản xuất, thị trường tiêu dùng rộng lớn và tăng trưởng nhờ đổi mới đã đưa đất nước này lên vị trí thứ hai trong nền kinh tế thế giới.
Ấn Độ còn chậm vài bước nhưng dân số đông đảo và ngành công nghệ nhộn nhịp của nước này đã giúp họ trở thành siêu cường kinh tế thứ hai trong BRICS. Dẫu vậy, ở chiều ngược lại, tỷ trọng trong GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương) của Nga, Brazil và Nam Phi lại giảm trong hai thập kỷ qua.
Mặc dù ba quốc gia này không phát triển mạnh như mong đợi, nhưng tổng GDP của 5 thành viên khối đã vượt qua G7 vào năm 2020 nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), tức được điều chỉnh theo sự khác biệt về sức mua.
Theo IMF, khối này sẽ chiếm tổng cộng 32,1% GDP toàn cầu trong năm nay. Con số này tăng từ mức chỉ 16,9% năm 1995 và cao hơn mức 29,9% của G7. Sự trỗi dậy của các thành viên BRICS, mặc dù vẫn có thách thức và sự chênh lệch trong nhóm, đã tăng thêm sức nặng cho những tiếng nói khác biệt với các chính sách của G7 do phương Tây lãnh đạo.
Đơn cử như xung đột Ukraine, không thành viên nào tham gia trừng phạt kinh tế lên Nga. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết việc mở rộng và hiện đại hóa BRICS là một thông điệp rằng tất cả các thể chế trên thế giới cần phải tự điều chỉnh theo thời gian.
Dù các nước mới gia nhập bày tỏ nhiều lạc quan, giới quan sát bên ngoài vẫn đánh giá thận trọng. Theo họ, vẫn chưa rõ việc mở rộng sẽ nâng cao đáng kể ảnh hưởng của khối trên trường quốc tế thế nào. Bởi lẽ điều đó sẽ phụ thuộc vào khả năng hành động chung của họ, vì các thành viên mới càng làm sự khác biệt nội bộ thêm sâu sắc.
Margaret Myers, Giám đốc chương trình châu Á và Mỹ Latinh tại Đối thoại Inter-American Dialogue nói chưa thể thấy rõ những thành viên mới của BRICS sẽ đạt được gì sau khi gia nhập. "Ít nhất vào thời điểm hiện tại, động thái này mang tính biểu tượng hơn. Đó là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ trên diện rộng của các nước đang phát triển đối với việc điều chỉnh lại trật tự toàn cầu", bà nói.
Lợi ích kinh tế không đến ngay lập tức vì các thành viên mới vốn đã có quan hệ song phương sâu rộng với Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS thì vẫn còn tương đối nhỏ. Dù vậy, bà Myers nói rằng động thái mở rộng khối không nên bị phương Tây xem nhẹ. "Với những thành viên mới này – đặc biệt là những nước sản xuất dầu lớn – tham gia, BRICS chiếm một phần đáng kể hơn nhiều trong cơ cấu nền kinh tế và dân số toàn cầu", bà chỉ ra.
Tương tự, ông Gustavo de Carvalho nói chưa biết chắc điều gì sẽ xảy ra nhưng rõ ràng nó mang lại một không gian mới cho thương mại ở các nước đang phát triển. Phần lớn tuyên bố đưa ra sau hội nghị phản ánh tiếng nói chung về nhu cầu thay đổi các thể chế quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Thương mại Thế giới.
Đến nay, BRICS đã bắt kịp G7 về tổng GDP được điều chỉnh theo PPP, nhưng họ vẫn kém các nền kinh tế G7 khoảng cách đáng kể về GDP bình quân đầu người - thước đo thường được sử dụng để đánh giá sự phát triển và thịnh vượng.
Theo IMF, không nước nào trong số 5 thành viên BRICS có thể đạt được mức GDP bình quân đầu người tương đương với Nhật Bản, vốn là mức thấp nhất trong số các nước G7. Sử dụng USD điều chỉnh theo PPP, GDP bình quân đầu người của Mỹ lên tới 80.035 USD, gấp hơn ba lần so với Trung Quốc với 23.382 USD.
Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ ba tính theo GDP điều chỉnh PPP, cho đến nay có GDP bình quân đầu người thấp nhất trong số 12 thành viên G7 và BRICS. Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ này, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ đã tăng gần gấp 5 lần, chỉ sau Trung Quốc về tốc độ.
Cho đến nay, có 23 nền kinh tế đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, nhưng phải có sự đồng thuận của cả 5 thành viên thì mới được kết nạp.
Phiên An (tổng hợp)