Ngày 23/1, thiếu tướng Victor Bondarev, tư lệnh không quân Nga cho biết phiên bản chính thức của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 của Nga T-50 sẽ được sản xuất đại trà vào năm 2017.
Các chuyên gia quân sự thuộc trang mạng quốc phòng Pháp Réseau international đánh giá rằng với kho vũ khí lớn và đa dạng, T-50 khi đi vào hoạt động chính thức có khả năng sẽ trở thành chiến đấu cơ thế hệ 5 mạnh nhất thế giới.
Theo chuyên gia Valentin Vasilescu thuộc viện Hàn lâm quân sự Bucarest, điểm nổi bật của các chiến đấu cơ thế hệ 5 nói chung là khả năng tàng hình trước các hệ thống phòng không đối phương. Để tối ưu hóa khả năng này, hệ thống vũ khí của các chiến đấu cơ tàng hình như T-50 của Nga hay F-22, F-35 của Mỹ đều được treo ở các khoang chứa bên trong máy bay nhằm giảm thiểu diện tích bề mặt phản xạ radar.
Tuy nhiên, do các khoang chứa này tương đối nhỏ, máy bay tàng hình khó có thể mang theo các vũ khí kích thước lớn như các loại tên lửa và bom đang được trang bị trên các chiến đấu cơ thế hệ 4, khiến uy lực của những tiêm kích tối tân này bị hạn chế đáng kể. Đây chính là khó khăn mà F-22 và F-35 của Mỹ đang phải đối mặt, buộc Mỹ phải tính đến phương án chế tạo "máy bay kho vũ khí" đi kèm chiến đấu cơ tàng hình.
Để khắc phục điểm yếu này, các kỹ sư quân sự hàng không của Nga đã thiết kế 4 khoang chứa bên trong thân máy bay T-50, bao gồm hai khoang chính dài 4,6 m, đường kính một mét (khoang chứa vũ khí của F-35 dài 3,6 m, đường kính 0,6 m, con số này là 3,9 m và 0,9 m đối với F-22) được bố trí nằm dọc theo thân của máy bay và hai khoang phụ nằm cạnh phần tiếp giáp và cánh của máy bay.
Chuyên gia Vasilescu cho biết bên cạnh việc tăng cường thể tích khoang chứa, các kỹ sư vũ khí Nga đã phát triển tổng cộng 14 loại vũ khí mới nhằm tăng tính đa dạng cho khả năng chiến đấu của T-50. Như vậy xét về sức mạnh hỏa lực, T-50 đang chiếm ưu thế so với F-22 và F-35 của Mỹ.
Là một chiến đấu cơ đa năng, T-50 được trang bị nhiều loại vũ khí bao gồm các loại tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hải và các loại bom thông minh có sức công phá lớn.
Vũ khí chính của T-50 trong các cuộc không chiến là 4 tên lửa không đối không tầm trung BVR K-77M. Đây là biến thể cải tiến của tên lửa R-77 với đầu tự dẫn radar mảng pha chủ động, dài 3,7 m, tầm bắn 200 km. Các tên lửa này được treo ở hai khoang chứa chính. Ngoài ra, hai khoang chứa phụ còn được lắp đặt hai tên lửa không đối không tầm ngắn tự dẫn hồng ngoại K-74M2 với chiều dài 2,9 m.
Để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các máy bay cảnh báo sớm của đối phương, T-50 có thể được trang bị 4 tên lửa không đối không tầm siêu xa Izdelie 810 có tầm bắn lên tới 400 km.
Đối với các mục tiêu mặt đất, T-50 sẽ sử dụng 4 tên lửa Kh-38M được treo trong hai khoang chứa chính có trọng lượng 520 kg, bay với tốc độ Mach 2.2 (750/s), tầm bắn 40 km, được dẫn đường bằng radar, laser và tia hồng ngoại.
4 tên lửa chống radar Kh- 58U shK treo ở hai khoang phụ được đánh giá là "ác mộng" đối với bất kì hệ thống điều khiển và cảnh báo radar nào trên thế giới. Kh-58U shK là biến thể mới nhất của tên lửa chống radar tốc độ cao Kh-58 có tốc độ lên đến 1200m/s, tầm bắn 260 km.
Với các mục tiêu trên biển, T-50 sử dụng 4 tên lửa X-35 UE có trọng lượng 145 kg. X-35 UE là thế hệ tên lửa hành trình kích thước nhỏ, bay với tốc độ cận âm (khoảng 320m/s). Được trang bị các hệ thống dẫn vệ tinh và radar, X-35 UE có thể tiêu diệt chính xác các tàu quân sự có lượng giãn nước lên đến 5000 tấn từ khoảng cách 260 km.
Ngoài các loại tên lửa, T-50 còn có thể được trang bị 8 quả bom thông minh KAB 250 hoặc 4 quả KAB 500 sử dụng hệ dẫn quán tính và định vị vệ tinh để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố trên mặt đất hoặc trên biển.
Bên cạnh 4 khoang chứa bên trong máy bay, T-50 còn có 6 giá treo vũ khí bên ngoài, được bố trí dưới hai cánh máy bay. Trong các trường hợp đặc biệt, T-50 có thể đánh đổi khả năng tàng hình bằng cách lắp thêm các loại vũ khí có kích thước lớn và hiệu quả cao như các loại tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos có chiều dài trên 5 m, tốc độ lên tới 1200m/s. Đây là loại tên lửa do Nga và Ấn Độ hợp tác chế tạo, có độ chính xác cao và rất khó bị đánh chặn.
Nguyễn Hoàng