Ngày 21/7, Tạp chí Y khoa New England công bố nghiên cứu trên, sau khi xem xét 528 ca nhiễm đậu mùa khỉ tại 16 quốc gia trong khoảng thời gian từ ngày 27/4 đến ngày 24/6.
Nhóm chuyên gia cho biết, ngoài những triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức, sưng hạch bạch huyết và mụn nước, bệnh đậu mùa khi ghi nhận thêm mụn rộp khu trú trên bộ phận sinh dục và hậu môn. Các biểu hiện này giống với bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), có thể dẫn đến chẩn đoán sai.
Từ đó, các chuyên gia khuyến cáo không nên loại trừ đậu mùa khỉ nếu người bệnh dương tính với virus gây bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Nhiều ca đã được phát hiện đồng nhiễm cả hai bệnh này.
Việc mở rộng định nghĩa triệu chứng sẽ các bác sĩ dễ dàng nhận ra ca nhiễm, từ đó ngăn virus lây lan. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới còn hạn chế về nguồn cung vaccine và thuốc kháng virus, các biện pháp phòng ngừa là công cụ quan trọng giúp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, đe dọa sức khỏe người dân.
Đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành tại khu vực châu Phi từ năm 1970, song số ca bệnh gia tăng đột ngột từ tháng 5 năm nay. Đến nay, thế giới ghi nhận gần 17.000 ca nhiễm tại 75 quốc gia, 5 ca tử vong. Hôm 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đậu mùa khỉ là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu.
Ban đầu, người dân bị nhiễm bệnh qua vết cắn của loài gặm nhấm hoặc động vật nhỏ, virus thường không dễ lây lan giữa người với người.
Tuy nhiên, trong đợt bùng phát hiện nay, phần lớn ca bệnh xảy ra ở nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp da với da, vết thương hở, dịch cơ thể... Ngoài ra, bệnh có thể lây qua tiếp xúc các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm virus, đặc biệt hiện các nước đã phát hiện nhóm nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch mắc bệnh.
WHO cho biết bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%, còn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết tỷ lệ tử vong của chủng virus nhánh Tây Phi là 1%, có thể cao hơn ở nhóm suy giảm miễn dịch.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. WHO khuyến cáo không tiêm đại trà vaccine đậu mùa khỉ do số lượng vaccine hạn chế, chỉ tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao và thực sự cần thiết ví dụ nhân viên y tế, người chăm sóc ca nhiễm.
Chi Lê (Theo Express UK)