Trong cuộc họp hôm 11/1, tiến sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của tổ chức, cho biết các quốc gia và người dân cần duy trì nghiêm ngặt tình trạng giãn cách xã hội cũng như các biện pháp phòng ngừa khác, tránh để dịch bùng lên trong tương lai gần. Những tuần gần đây, Anh, Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Israel, Hà Lan... đã bắt đầu tiêm chủng cho hàng triệu người dân.
"Ngay cả khi vaccine đã được tiêm cho những người dễ tổn thương nhất, chúng ta sẽ không đạt được miễn dịch cộng đồng vào năm 2021. Dù một vài nước đạt được, nó chưa thể bao phủ khắp thế giới", bà Swaminathan nói.
Các nhà khoa học ước tính cần tiêm chủng khoảng 70% dân số để có miễn dịch cộng đồng. Song nhiều người lo ngại bản chất siêu lây nhiễm của nCoV có thể đòi hỏi tỷ lệ cao hơn nhiều.
Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết cơ quan kỳ vọng có thể bắt đầu tiêm phòng cho những nước đang phát triển trong tháng này hoặc tháng 2. Ông kêu gọi cần nỗ lực hơn để đảm bảo tất cả quốc gia được tiếp cận với vaccine.
"Chúng tôi không thể đơn phương làm điều này", Aylward nói, nhấn mạnh WHO cần sự hợp tác của các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung vaccine Covid-19 trên thế giới đã được các nước giàu đặt sẵn. Sáng kiến COVAX, do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, vẫn gặp những trở ngại nhất định.
Biến thể mới của nCoV tại Anh, Nam Phi và Nhật Bản là nỗi đau đầu của nhiều nhà chức trách. Trước đó, các chuyên gia lo ngại biến thể Nam Phi kháng được vaccine Covid-19. Hôm 9/1, các nhà nghiên cứu tại Pfizer và Đại học Y khoa Texas đã công bố nghiên cứu sơ bộ cho thấy vaccine hiệu quả trên cả hai biến thể.
Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, Maria Van Kerkhove, nhận định số ca nhiễm tại nhiều nước đã tăng lên từ trước khi xuất hiện biến thể. Bà lưu ý trong mùa hè, số bệnh nhân nhiều nơi giảm. Người dân và cả chính phủ có xu hướng chủ quan. Các dịp lễ lớn như Giáng sinh và năm mới cũng khiến virus lây nhiễm nhanh hơn, khi người dân tụ tập với bạn bè và gia đình.
Thục Linh (Theo AP)