Ngày 29/7, ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhận định virus ở Đà Nẵng tương tự với chủng ghi nhận trên thế giới trong suốt tháng 7.
"Dựa trên những hiểu biết đã có, sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh không thay đổi. Hiện chưa bằng chứng nào cho thấy các đột biến khiến virus tăng hay giảm độc lực, cũng như làm triệu chứng ở người bệnh nặng hơn", ông nói.
Nhận định này được ông Park đưa ra sau một số thông tin cho rằng chủng nCoV ở Đà Nẵng có thể lây lan mạnh mẽ hơn so với trước đó.
Hiện nay, đột biến nCoV lây lan rộng nhất trên thế giới có tên gọi D614G. Biến chủng này không mới, thường được gọi là thể G, xuất hiện lẻ tẻ trong các mẫu bệnh phẩm của người nhiễm nCoV từ khi dịch mới khởi phát ở Vũ Hán cho đến tận tháng 2. Tuy nhiên, khi xâm nhập vào Mỹ và các nước châu Âu, thể G tăng lên nhanh chóng. Các phân tích chỉ ra rằng hiện nay chủng D614G tồn tại ở hơn 70% ca nhiễm được xác nhận trên toàn thế giới, gần 100% tại châu Âu. Đột biến này của nCoV chỉ lây lan mạnh, độc tính không đổi.
Hiện chưa chắc virus lây lan ở Đà Nẵng có thuộc chủng D614G hay không.
Song, chỉ trong 6 ngày qua, Việt Nam ghi nhận thêm 42 ca nhiễm mới. Trong đó, 37 bệnh nhân được phát hiện ở Đà Nẵng.
Tính đến nay, tổng số trường hợp dương tính tại Việt Nam là 459, trong đó 369 người đã điều trị khỏi, chưa có ca tử vong.
Hơn 81.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 472 người, tại cơ sở tập trung gần hơn 14.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Hôm 27/7, hai ngày kể từ khi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên sau 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng, giới chức y tế Việt Nam công bố virus ở Đà Nẵng là biến chủng mới chưa từng ghi nhận trong nước. Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết chủng nCoV mới tại Đà Nẵng lây nhanh nhưng độc lực không đổi. Như vậy, hiện Việt Nam xuất hiện 6 chủng nCoV, trong khi thế giới ghi nhận 99 chủng.
Thục Linh (Theo Free News)