Ngày 13/4, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa từ xuân sang hè nên những bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng.
Về Covid-19, Sở Y tế ghi nhận đầu tháng 4 đến nay mỗi ngày có 20-40 ca, tăng gấp 2-4 lần so với tháng 3. Hà Nội hiện là địa phương có số ca nhiễm và nặng cao nhất cả nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đại diện Sở Y tế Hà Nội kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số bệnh viện, chiều 12/4. Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, từ ngày 1/4 đến nay, mỗi ngày tiếp nhận, điều trị từ 5 đến 10 ca. Giám đốc Nguyễn Văn Thường cho biết bệnh nhân chủ yếu có bệnh nền. Bệnh viện Thanh Nhàn trong tháng 3 tiếp nhận 25 bệnh nhân, riêng 10 ngày đầu tháng 4 đã tiếp nhận 75 bệnh nhân, tăng gấp 3 lần. Một số bệnh nhân biểu hiện nhẹ nên được hướng dẫn điều trị, cách ly tại nhà.
Hiện Hà Nội có 124 bệnh nhân Covid đang điều trị tại cơ sở y tế trong tình trạng nhẹ, 116 ca theo dõi tại nhà.
"Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt và chưa ghi nhận sự xuất hiện biến chủng mới, trường hợp phải nhập viện đều là người cao tuổi, có bệnh nền", ông Tuấn nói.
Bệnh thủy đậu cũng đang lây nhiễm nhanh tại Hà Nội, nhất là trong các trường học. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 185 ca thủy đậu, tăng 19 ca so với tuần trước. Các trường tiểu học, mầm non xuất hiện những chùm ca lây nhiễm như trường tiểu học Vân Hòa (huyện Ba Vì) ghi nhận 17 ca; trường mầm non Phú Đô ở quận Nam Từ Liêm 18 ca.
Từ đầu năm đến nay, thủ đô có tổng cộng gần 1.000 ca thủy đậu, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ 14 ca.
Tuần qua, Hà Nội thêm 50 ca chân tay miệng, cộng dồn từ đầu năm đến nay gần 300 ca, còn cùng kỳ năm ngoái chỉ có 4. Sốt xuất huyết tăng 20 lần, với 206 ca từ đầu năm đến nay, phân bố tại 26/30 quận, huyện.
CDC Hà Nội dự báo các bệnh truyền nhiễm tiếp tục tăng trong thời gian tới, do thời tiết giao mùa. Các chuyên gia cho rằng mùa đông xuân độ ẩm không khí cao, nấm mốc là nguyên nhân khiến virus, vi khuẩn lây lan. Ngoài ra, số ca tăng có thể do miễn dịch của người tiêm vaccine hoặc từng nhiễm đã giảm. Sự lơ là với các biện pháp phòng bệnh được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh lây nhiễm gia tăng.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đánh giá cấp độ dịch, chuẩn bị kịch bản ứng phó. Trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, các địa phương được khuyến cáo triển khai tiêm bổ sung ngay đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng. Đồng thời, tổ chức tiêm vét cho tất cả người thuộc diện tiêm chủng mở rộng nhưng chưa được chích ngừa đầy đủ.
Người dân được khuyến cáo thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc. Nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần thông thoáng, sạch sẽ và đủ ảnh sáng. Người mắc bệnh truyền nhiễm phải được khám, điều trị và cách ly tại cơ sở y tế.
Lê Nga