Trung tâm ICU đặt tại phường 3, TP Tân An, trưng dụng từ nhà khách công đoàn, được thành lập theo quyết định của Bộ Y tế. Sau 10 ngày chuẩn bị cơ sở vật chất, trung tâm trang bị 150 máy thở oxy dòng cao (HFNC), máy ECMO, máy truyền dịch, máy lọc máu, máy theo dõi bệnh nhân.
Tùy theo tình hình thực tế, trung tâm có thể mở rộng thêm 100 giường bệnh nữa.
Trung tâm là tuyến cuối trong bậc thang điều trị Covid-19 tại tỉnh Long An và các tỉnh lân cận. Trung tâm sẽ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, đồng thời hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị cho các cơ sở trong khu vực.
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương tại Long An, cho biết trung tâm vận hành độc lập như một bệnh viện, từ khâu thuốc, máu, dịch truyền, các vật tư y tế tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm. Lực lượng y tế được chia thành các khoa, với các trưởng khoa lâm sàng, cận lâm sàng và tổ chức tua trực 3 ca, 4 kíp 24/24 giờ.
"Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ nhiều kinh nghiệm sẽ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19, kéo giảm tỷ lệ tử vong, giúp Long An từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh", ông Hoàng nói.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An biểu dương các đơn vị liên quan đã làm việc ngày đêm để hoàn thành đúng tiến độ công trình.
Long An hiện có 22 bệnh viện điều trị Covid-19, trong đó 20 bệnh viện dã chiến, tổng cộng 7.200 giường bệnh.
Đến nay, Long An ghi nhận hơn 14.400 ca nhiễm, 162 ca tử vong. Số ca nhiễm tại Long An cao nhất trong 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cao thứ ba cả nước, sau TP HCM và Bình Dương. Tỉnh này cùng với các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh đều giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm từ 10 đến 15 ngày hoặc đến khi có thông báo mới, từ ngày 15/8.
Hoàng Nam