Ngày 22/5, lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết thuốc giải độc tố botulinum được xếp vào danh mục rất hiếm. Mỗi năm cả nước chỉ ghi nhận vài ca ngộ độc này, các bệnh viện thường không dự trù đủ.
Hiện có 6 bệnh nhân tại TP HCM ngộ độc botulinum, trong đó 5 người gồm ba em bé và hai người lớn xuất hiện triệu chứng bất thường sau ăn giò lụa được bán dạo, một người khác ăn mắm. Hai lọ thuốc giải độc cuối cùng tại Việt Nam được dùng cho ba em bé, còn ba người lớn - nằm tại hai bệnh viện Chợ Rẫy và Nhân dân Gia Định - tình trạng yếu liệt cơ nặng không có thuốc nên bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ.
Theo Cục Quản lý Dược, nhà nhập khẩu thuốc giải độc là Công ty CPC1 đã liên hệ với nhà cung ứng nước ngoài, làm các thủ tục nhập khẩu. Cục cũng nhờ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ trong tình huống không mua được thuốc. Năm 2020, trong vụ hàng chục người ngộ độc botulinum do ăn pate chay, Việt Nam cũng không có thuốc giải độc, WHO phải tài trợ khẩn cấp 10 lọ thuốc giải độc từ Thụy Sĩ về cứu chữa bệnh nhân.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết chưa thông tin về việc mua thuốc này.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.
Hồi cuối tháng 3, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược, cho biết Bộ Y tế đang xây dựng Danh mục thuốc thiếu, nguy cơ thiếu để chủ động đảm bảo nguồn cung các thuốc này, trong bối cảnh gần đây thiếu thuốc giải độc botulinum. Theo đó, cho phép cơ sở khám chữa bệnh mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, phòng ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.
Theo ông Dũng, việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. Về cơ bản, nguồn cung tổng thể thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế bởi khó khăn trong dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm. Thời gian thực hiện mua sắm đấu thầu kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời. Ngoài ra, một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.
Thực tế này được lãnh đạo các bệnh viện phản ánh là gây bị động trong điều trị bệnh nhân khi có nhu cầu. Ví dụ, thời gian qua, nhiều loại thuốc giải độc, chống độc rất thiếu ở Việt Nam. Đây là những thuốc thường ít khi bệnh nhân sử dụng, giá rất đắt nên các bệnh viện không dự trữ hoặc cần Bộ Y tế phê duyệt mua sắm. Điều này dẫn đến khi bệnh nhân có nhu cầu thì không có thuốc dùng, chậm trễ điều trị.
Lê Nga