Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Bình, trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, hai ngày trước cho biết bệnh nhân vốn hoàn toàn bình thường, không có chấn thương vùng bụng hay có can thiệp về đường tiểu.
Các bác sĩ tiến hành hồi sức, cầm máu cho bệnh nhân. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính phát hiện có khối u to (3,4x3,1x3 cm), chiếm gần một phần ba lòng bàng quang. Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị ung thư bàng quang xâm lấn đến lớp cơ bàng quang. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang, sau đó tạo hình bàng quang mới bằng ruột non.
Sau gần 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ lấy toàn bộ bàng quang có chứa khối u và nạo các hạch xung quanh để làm giải phẫu bệnh. Ngoài ra, một đoạn ruột non dài khoảng 60 cm đã được cắt, cân chỉnh và tạo thành một bàng quang mới cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Bình, khối u không di căn, bệnh nhân không cần hóa trị. Sau chăm sóc hậu phẫu và làm quen cảm giác mắc tiểu với bàng quang mới, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường mà không cần mang ống dẫn nào.
Trước đây, với các ca tương tự, khi chưa có kỹ thuật tạo hình bàng quang thay thế bằng ruột, bác sĩ sẽ phải mở hai niệu quản ra da. Theo đó, bệnh nhân phải mang bên người hai túi dẫn lưu niệu quản chứa chất thải, ảnh hưởng sinh hoạt và có nguy cơ nhiễm trùng.
Hiện, nguyên nhân ung thư bàng quang chưa được xác định rõ, nhưng những người tiền sử hút thuốc lá, tiếp xúc bức xạ, hóa chất được xem là có yếu tố nguy cơ cao.
Bác sĩ Bình khuyến cáo, để phòng tránh ung thư bàng quang, người dân cần bỏ hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với hóa chất, uống nước đầy đủ, có chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ. Khi có các dấu hiệu như tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ, nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là tiểu ra máu... người bệnh cần đến bệnh viện khám sớm để phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Thư Anh