Bác sĩ chuyên khoa 1 Nhâm Chấn Phát, Viện Y dược học dân tộc TP HCM, cho biết thủy châm là sự phối hợp giữa phương pháp châm theo học thuyết kinh lạc và thuốc tiêm (tại chỗ hay toàn thân) để nâng cao hiệu quả phòng chữa bệnh. Theo đó bác sĩ tiêm một dung dịch lỏng vào huyệt của người bệnh để kích thích huyệt tại chỗ, kết hợp với thuốc để điều trị bệnh.
Năm 1954, bác sĩ Vạn Văn Kế, Bệnh viện Ngạc Thành Hồ Bắc (Trung Quốc) đã kết hợp thủy châm với vitamin B1 chữa nhiều bệnh như viêm khớp mãn tính, xơ gan, di chứng bại liệt, nhiều chứng bệnh tinh thần… Cũng trong thời gian này, các bác sĩ Lư Loan Khu, Lý Bồi Thành, Đức Tuấn (Thượng Hải) ứng dụng phương pháp thủy châm tại nhiều bệnh viện bệnh xá. Từ năm 1955 thủy châm được dùng rộng rãi trong nhiều bệnh viện ở Trung Quốc.
Nghiên cứu ở Bệnh viện nhân dân số 6 tại Thượng Hải cho thấy công dụng của thủy châm trong điều trị suy nhược thần kinh hiệu quả đến 88-90%, thời gian điều trị rất ngắn. Nhiều bệnh viện khác cũng báo cáo tác dụng của phương pháp này trong điều trị cao huyết áp, thiên đầu thống, hen suyễn, chân tay tê, đau bại thần kinh, viêm, liệt dương...
Theo bác sĩ Phát, tại Việt Nam, một số bệnh viện, bệnh xá đã áp dụng thủy châm trong điều trị. Các bác sĩ dùng vitamin Bl, B6, BI2, Philatop, Novocain tiêm vào vùng thái dương (còn gọi thủy châm huyệt thái dương) chữa nhức đầu, đau đầu; tiêm vào vùng thận để chữa đau ngang lưng di mộng tinh, bệnh tim... Đến nay thủy châm được nghiên cứu mở rộng điều trị đau thần kinh tọa, đau đầu, đau nửa đầu, đau vai gáy, dây thần kinh liên sườn, đau do thoái hóa khớp, viêm quanh khớp vai... Phương pháp này được cho là hiệu quả với bệnh cấp tính như choáng và hôn mê, khó thở, tức thở, đau da dày, đau bụng, đau ruột, dạ con, nhức răng, co giật, động kinh.
Viện Y dược học dân tộc kết hợp với Bệnh viện Châm cứu Trung ương tổ chức hội thảo chuyên đề về ứng dụng thủy châm và nhĩ châm trong điều trị bệnh, sáng 17/8 tại số 273-275 Nguyễn Văn Trỗi, phường 10, quận Phú Nhuận, TP HCM. |