Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục Quản lý Dược cho biết Việt Nam hiện cấm sản xuất, lưu hành thuốc làm từ nhau thai người. Cục Quản lý Dược năm 2015 đã ra công văn cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người.
Phó giáo sư, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức cho biết cách đây khá lâu, Việt Nam có sử dụng thuốc bào chế từ nhau thai. Đó là thuốc bổ Filatov, bào chế theo phương pháp của một bác sĩ người Nga. Theo đó, khi một tổ chức sống của động vật bị cắt rời khỏi cơ thể như nhau thai và được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ không thuận lợi cho sự sống sẽ tìm cách thích nghi với nghịch cảnh bằng cách tiết ra những kích thích tố gọi là biostimulin.
Biostimulin được đưa vào cơ thể người bằng cách uống hay tiêm, sẽ kích thích các phản ứng sinh học, thúc đẩy các quá trình chuyển hóa thuận lợi, làm tăng sự đề kháng, bồi dưỡng các chức năng sinh lý, chống lại sự xâm nhập của bệnh tật. Thời đó nhiều bệnh viện phụ sản ở Việt Nam đã tận dụng nhau thai của phụ nữ mới sinh xong bào chế thành thuốc uống và thuốc tiêm Filatov.
"Đến nay bản chất của các biostimulin vẫn chưa được biết đầy đủ và chế phẩm Filatov không còn sản xuất hay sử dụng nữa", phó giáo sư Đức chia sẻ.
Hiện nay các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu như nhau thai người, gan thận súc vật... được thế giới khuyến cáo không sử dụng vì không có bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng một cách rõ ràng mà nguy cơ lây nhiễm bệnh lại rất lớn. Chẳng hạn dùng cơ quan tạng phủ từ bò thì bị lây nhiễm bệnh bò điên, những viên thuốc chứa thịt người từ phôi thai, nhau thai mới báo cáo ở Nigeria chứa rất nhiều mầm bệnh, đặc biệt là siêu vi nhiều nhất là siêu vi gây viêm gan B.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Y Dược học dân tộc TP HCM, cho biết tử hà sa (nhau thai người) là thuốc bổ dương, được sử dụng khi bệnh nhân bị dương hư. Một số công ty trước đây cũng sản xuất những bài thuốc như hà sa đại tạo hoàn.
Theo tiến sĩ Lan, nhau thai người cũng là một protein nên vấn đề sử dụng, bảo quản rất phức tạp, dễ hư hỏng. Tử hà sa khi dùng phải phơi, sấy, tán bột, không cho vào nồi thuốc sắc, sắc xong mới đổ bột này vào chén thuốc để uống sau. Đặc biệt tử hà sa ẩn chứa nguy cơ bệnh lây nhiễm qua đường máu còn trong nhau thai như HIV, viêm gan siêu vi B, C... nếu không được kiểm tra, chế biến trong điều kiện vô trùng nên y học cổ truyền không còn sử dụng.
Tử hà sa không phải là vị thuốc tuyệt đối không thể thay thế, tùy công dụng có thể thay thế bằng những vị thuốc khác như thuốc bổ dương nhục thung dung, hoàng tinh, thuốc bổ huyết thục địa, đương quy... "Năm 2012 tôi sang Trung Quốc học, thấy hình ảnh nhau thai được bày phơi suốt con đường dài, rất khó đảm bảo vệ sinh nên từ đó tôi không bao giờ dám dùng cho bệnh nhân", bác sĩ Lan chia sẻ.
Thị trường Việt Nam hiện vẫn có tử hà sa nhập lậu từ Trung Quốc, được quảng cáo uống trị bệnh, làm đẹp. Theo bác sĩ Lan, nhiều người cho rằng trong nhau thai có tế bào gốc, công dụng làm đẹp. Tuy nhiên quá trình chế biến rất khó đảm bảo loại trừ được các mầm bệnh. Muốn dưỡng da, làm đẹp cần phải có tư vấn của các bác sĩ, chú ý đến tổng trạng sức khoẻ, chẳng hạn người thiếu máu sẽ sử dụng các loại thuốc bổ huyết, dưỡng nhan. Việc bồi bổ hợp lý, đúng cách sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, từ đó da sẽ căng, tóc khỏe, sắc mặt hồng hào.
Tử hà sa được cho là có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường hoạt động tình dục nên nhiều người tìm mua ở các chợ dược liệu, tiệm thuốc đông y. Các bác sĩ khuyến cáo tìm mua nhau thai để cải thiện tình trạng này là hoàn toàn sai lầm.
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chiều 9/11 thông báo Việt Nam không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành "thuốc Trung Quốc làm từ thịt người". Nigeria đang báo động gấp có hàng trăm nghìn viên thuốc từ thịt người xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện trên thị trường nước này. Các thuốc được đóng gói dạng viên con nhộng, được quảng cáo dùng điều trị ung thư, tiểu đường, một số bệnh nặng ở giai đoạn cuối và hỗ trợ tăng sức đề kháng. Năm 2011, các quan chức Trung Quốc đã điều tra việc sản xuất các loại thuốc làm từ bào thai chết. Hàng nghìn loại thuốc tương tự xuất xứ từ Trung Quốc đã bị tịch thu tại Hàn Quốc vào năm 2012. |