Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria xác nhận có dược phẩm của Trung Quốc lưu hành trên thị trường Nigeria chứa "thành phần thịt người".
Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh giai đoạn cuối.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, chiều 9/11 khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc "làm từ thịt người" tại Việt Nam. Cục không đề cập cụ thể tên thuốc nào trong thông báo này.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu phát hiện thuốc không rõ nguồn gốc, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phối hợp với các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên. Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Trước đó, theo Vanguard, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIA) Nigeria công bố kết quả điều tra "các viên thuốc xuất xứ từ Trung Quốc chứa đầy bột thịt lấy từ những đứa trẻ đã chết".
NIA cũng thông báo, Hải quan Hàn Quốc ngày 30/9 tiết lộ đã tịch thu 2.751 thuốc Trung Quốc chứa thịt người và nhau thai, trẻ sơ sinh. "Số thuốc được nhập khẩu vào Hàn Quốc bởi một số công dân Trung Quốc", NIA viết trong tuyên bố. Cũng theo NIA, Bộ Thực phẩm và An toàn Thuốc Hàn Quốc nói rằng 18,7 tỷ virus, bao gồm virus viêm gan B, được tìm thấy trong các viên thuốc.
Một quan chức NIA nói rằng có thể một thành phần nhỏ trong thuốc làm từ nhau thai và đây là vị thuốc đông y của người Trung Quốc. Tuy nhiên NIA nhấn mạnh việc chế tạo thuốc "làm từ thịt người" và tiêu thụ chúng là "tội ác bất nhân", có thể dẫn đến những mối nguy nghiêm trọng về sức khỏe.
Đây không phải là lần đầu tiên các loại thuốc từ bào thai được bán ra thị trường. Năm 2011, các quan chức Trung Quốc đã điều tra việc sản xuất các loại thuốc làm từ bào thai chết. Hàng nghìn loại thuốc tương tự xuất xứ từ Trung Quốc đã bị tịch thu tại Hàn Quốc vào năm 2012.