Tháng 12/2021, chị Mai thường xuyên nôn ói, đau đầu, chóng mặt, nhìn một người mà thấy hai, tay phải tê rần. Bác sĩ phòng khám tư chẩn đoán chị bị ốm nghén thai kỳ và tụt canxi. Tuy nhiên, vừa từ phòng khám về đến nhà, chị ngã gục, co giật, nửa người bên phải yếu liệt, người nhà đưa đến một bệnh viện phụ sản cấp cứu. Bác sĩ tại đây phát hiện chị vừa mắc Covid-19, vừa đột quỵ thể nhồi máu não ở tĩnh mạch nội sọ, chuyển tuyến đến bệnh viện chuyên khoa. Điều trị qua giai đoạn cấp, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM ngày 9/12/2021.
Bác sĩ Phan Thái Hảo (Trưởng khoa Nội tim mạch - Lão khoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM), ngày 21/1 cho biết khi nhập viện bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, nôn ói nhiều và co giật. Kết quả chụp MRI trước đó cho thấy bệnh nhân bị tắc nghẽn tĩnh mạch nội sọ, dẫn đến ứ trệ máu trong não, hậu quả là xuất huyết dưới nhện rải rác (chỗ dẫn lưu dịch não tủy từ não về tủy sống). Đây là tình huống phức tạp và nguy hiểm. Nếu dùng thuốc kháng đông sẽ làm tan cục huyết khối, giải quyết được vấn đề chính là nhồi máu não. Tuy nhiên thai phụ đứng trước hai nguy cơ: một là thuốc kháng đông ảnh hưởng tới thai nhi, có thể gây sảy thai, dị tật, xuất huyết thai... phải đình chỉ thai kỳ để cứu mẹ; hai là thuốc sẽ làm tình trạng xuất huyết dưới nhện nặng nề hơn.
Đồng thời, nhồi máu não tĩnh mạch nội sọ là vị trí lạ, hiếm gặp khiến bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị thiếu chất kháng đông máu, chứ không đơn thuần là rối loạn tăng đông do Covid-19. Do đó, bác sĩ Hảo cho bệnh nhân chụp MRI lần hai, tiến hành các xét nghiệm kiểm tra thành phần máu, xét nghiệm đánh giá lượng kháng đông heparin trong máu bệnh nhân dựa trên Anti XA để điều chỉnh lượng thuốc kháng đông Heparin phù hợp.
Kết quả xét nghiệm cho thấy chị Mai bị thiếu protein S - một chất kháng đông máu tự nhiên, cộng thêm biến chứng rối loạn đông máu do mắc Covid-19 dẫn đến cơn đột quỵ. Theo bác sĩ Hảo, chị Mai là một trường hợp "tứ chứng" khá hiếm gặp, gồm huyết khối tĩnh mạch nội sọ, thiếu protein S, có thai và nhiễm Covid-19.
Tình trạng nhồi máu và xuất huyết não đã giảm nhẹ, các bác sĩ cân nhắc kỹ nguy cơ, lợi ích điều trị, chỉ định bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc kháng đông máu heparin, theo dõi diễn tiến sức khỏe mẹ và thai nhi. Mặc dù vậy, ở liều thuốc thông thường (5.000 đơn vị), cục máu đông vẫn không tan, bác sĩ phải tăng thuốc liều cao 2,5 lần, lên tới 12.500 đơn vị. May mắn, bệnh nhân đáp ứng điều trị, tình trạng dần cải thiện. Sau ba ngày, chị Mai đã ngồi dậy, tự ăn uống được. "Mẹ con tôi như trở về từ cõi chết", chị Mai nói khi nhớ lại những ngày nằm viện căng thẳng.
Hiện, chị Mai đã xuất viện, khỏi Covid-19, nửa người bên phải đã hồi phục hoàn toàn, không còn yếu liệt, đau đầu, nôn ói. Thai nhi đã được 16 tuần, khỏe mạnh, ổn định. Do máu thiếu protein S nên nguy cơ tái đột quỵ thường trực, chị Mai phải duy trì tái khám, tiêm thuốc kháng đông kéo dài và theo dõi thai kỳ đều đặn. Dự kiến đến kỳ sinh nở, chị sẽ tạm ngưng thuốc thời gian ngắn, từ lúc chuyển dạ và vượt cạn an toàn.
Thư Anh