Khỏe mạnh sau hơn một tháng khỏi Covid-19, chị Thu Trinh (29 tuổi) trở lại Bệnh viện Quân y 175 để hội ngộ chị Ngọc Hoài (33 tuổi) - người từng được các bác sĩ chia đôi máy ECMO của viện (theo nguyên tắc mỗi máy chỉ dùng cho một người), chiều 10/10.
Suốt thời gian qua, cứ vài ngày, chị Trinh lại nhắn tin hỏi thăm bác sĩ về tình trạng của chị Hoài. Khi được bác sĩ thông báo hôm nay bệnh nhân xuất viện, chị nôn nao mong gặp người từng chia sẻ sự sống cùng mình trong lúc nguy kịch.
Ngọc Hoài và Thu Trinh là hai trong số hơn chục sản phụ mắc Covid-19 hồi phục ngoạn mục và ra viện tại Bệnh viện Quân y 175. Hai người phụ nữ là trường hợp đầu tiên được áp dụng kỹ thuật "tách đôi" máy ECMO, nhiều lần đứng trước lằn ranh sinh tử, tưởng chừng khó qua khỏi. May mắn, Thu Trinh hồi phục xuất viện trước, còn Ngọc Hoài trở thành bệnh nhân có thời gian nằm viện dài nhất, diễn tiến nguy kịch nhất với 6 lần phẫu thuật và thủ thuật, truyền hơn 45 lít máu.
Sáng kiến chia đôi EMCO ra đời trong bối cảnh bệnh nhân Hoài nhập viện ngày 6/8, cần can thiệp nhưng lúc đó bệnh viện chỉ có 2 máy đang sử dụng cho Thu Trinh và một sản phụ nguy kịch khác. Thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể này được xem là vũ khí, phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp nguy kịch do Covid-19.
"Nếu không can thiệp ECMO kịp thời, bệnh nhân Hoài đối diện nguy cơ tử vong rất lớn", thượng úy, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung nhớ lại. Sản phụ sau khi mổ sinh ở tuần thai thứ 33, hậu phẫu ngày thứ 4 ở Bệnh viện Từ Dũ thì suy hô hấp, viêm phổi nặng, không đáp ứng thở máy. Trong hoàn cảnh nếu không làm gì thì chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong, các y bác sĩ đã loay hoay tìm cách với nỗ lực "còn nước còn tát". "Chúng tôi không cho phép bi kịch xảy ra khi mà còn có thể làm điều gì đó để thay đổi kết cục", bác sĩ Chung nói.
20h15 đêm 8/8, các bác sĩ bắt đầu chia đôi một máy ECMO cho cả hai sản phụ cùng sử dụng. Đến 21h, ê kíp vỡ oà hạnh phúc khi thực hiện thành công kỹ thuật chưa từng có tiền lệ. Thu Trinh - người đang dùng máy trước đó không bị ảnh hưởng điều trị. Tình trạng Ngọc Hoài cải thiện rõ rệt, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) tăng từ 80% lên 96-98%, về mức ổn định.
"45 phút tách đôi máy ECMO là khoảng thời gian mà tôi cảm giác chưa bao giờ dài đến vậy", thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân (Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19) cho biết. Tuy nhiên, sóng gió chưa dừng lại ở đó, bệnh nhân Hoài rơi vào tình trạng khó khăn nối tiếp khó khăn ngay trong thời gian can thiệp ECMO.
Theo bác sĩ Diệp Hồng Kháng (Trưởng Khoa Hồi sức và điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng), chia đôi được ECMO để sử dụng cho bệnh nhân ở thời điểm đó đã là kỳ tích, nhưng quá trình theo dõi, xử lý những biến cố trong quá trình điều trị càng khó khăn hơn nhiều. "Các biến cố xảy ra liên tục và toàn là biến cố nguy kịch", bác sĩ Kháng nói.
Ngọc Hoài rối loạn đông máu, nhiễm trùng, viêm phổi nặng, chảy lượng máu nhiều trong ổ bụng. Các bác sĩ trải qua nhiều lần đại phẫu, mở ổ bụng lấy máu tụ, thám sát mạch máu tìm vị trí chảy máu để cầm. Trong thời gian nằm viện, chị Hoài được truyền 45,5 lít máu về chế phẩm máu - gấp 7 lần lượng máu cơ thể một người. Có những lúc kíp điều trị huy động gần như toàn bộ ngân hàng máu của bệnh viện vẫn không đủ, phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nơi khác trong thành phố.
Khi bệnh nhân Thu Trinh cai ECMO sau 18 ngày dùng chung, chị Hoài tiếp tục sử dụng chiếc máy một mình. Nghị lực của bệnh nhân cùng sự nỗ lực không bỏ cuộc của y bác sĩ với nhiều biện pháp điều trị tối ưu đã giúp Hoài từng bước hồi phục, cai ECMO thành công sau 45 ngày. Đã hết Covid, được xuất viện nhưng chị vẫn còn hơi yếu cơ, phải tự tập vật lý trị liệu thêm.
Thiếu tướng, Phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Bệnh viện Quân y 175) đánh giá trường hợp hồi phục của hai sản phụ chia đôi ECMO đã giúp y bác sĩ thêm những bài học kinh nghiệm, kiến thức điều trị bệnh nhân khác. "Hai bệnh nhân đã dạy chúng tôi về nghị lực sống, niềm tin vượt qua khó khăn. Chính khát vọng sống, tình mẫu tử, nỗ lực của bệnh nhân đã tiếp thêm chúng tôi sức mạnh để dám nghĩ, dám làm", ông Sơn nói.
Còn khá yếu, chị Ngọc Hoài (33 tuổi) rơi nước mắt khi thấy chồng bế con trai hơn hai tháng tuổi và đưa con gái lớn 10 tuổi đến đón. Hơn hai tháng qua, tại căn phòng trọ ở quận 12, một mình anh chăm sóc hai con. Bé trai chào đời 2,2 kg, được đặt tên Phúc An, gửi gắm ước mong mẹ được bình an vượt qua nguy kịch. Chồng và con gái lớn của chị Hoài phát hiện Covid-19 cùng lúc với chị nhưng may mắn nhẹ hơn, điều trị khỏi tại Bệnh viện dã chiến số 7.
"Những ngày ở viện, nhiều lúc mệt mỏi muốn buông nhưng vì con nên cố gắng. Đến khi khoẻ khoắn, nghe bác sĩ kể tôi mới biết mình từng chết đi sống lại", chị Hoài nói với chị Trinh khi cả hai hội ngộ. Họ lưu số điện thoại của nhau, hẹn khi chị Hoài xuất viện về nhà, hồi phục khoẻ mạnh hơn sẽ trò chuyện nhiều.
"Chứng kiến chị ấy được hội ngộ chồng con, tôi rất vui vì biết chị ấy đang rất hạnh phúc - giống như tôi hôm đầu gặp lại người thân sau khi được các bác sĩ cứu sống", chị Trinh nói.