Ngày 7/3, trả lời VnExpress, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết các quyết sách của Chính phủ cơ bản giải quyết được những vấn đề mà bệnh viện đang gặp phải về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Bệnh viện đang nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn tháo gỡ khó khăn để tiếp tục khám, chữa bệnh cho người dân.
"Các nhà phân phối hứa trong vòng một tuần sẽ cung cấp đầy đủ vật tư, hóa chất. Như vậy, bệnh viện sẽ hoạt động bình thường trở lại", ông Giang nói về khả năng sẽ chấm dứt tình trạng hàng trăm bệnh nhân phải hoãn mổ phiên do bệnh viện thiếu vật tư, hóa chất, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu.
Trong hai ngày 3-4/3, Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị định 07 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021) nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhập khẩu thiết bị y tế và Nghị quyết 30 (có hiệu lực thi hành ngay) tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, đặt.
Trước động thái này, lãnh đạo các bệnh viện chia sẻ nhiều hy vọng sớm giải quyết tình trạng khủng hoảng vật tư hiện nay. Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng thứ nhất, Nghị định 07 tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan, nhập khẩu trang thiết bị. Ngoài giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán in vitro cấp từ đầu năm 2014 đến hết 2019, nay được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2024. Quy định mới giúp thông quan các lô vật tư, thiết bị y tế đang bị ách tắc do số giấy phép nhập khẩu và số đăng ký lưu hành đã hết hạn vào cuối năm 2022.
"Thông quan dễ dàng mới có hàng hóa để mua sắm, đấu thầu", ông Cơ nói và cho rằng đây là điểm quan trọng ở nghị định này. Ngoài ra, nghị định cũng giao trách nhiệm cho các hãng, công ty phải đảm bảo về chất lượng hàng hóa, trang thiết bị y tế vật tư, hóa chất, để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Thứ hai, Nghị quyết 30 sửa đổi điều 04 trong Nghị quyết 144, cho phép thí điểm, kéo dài thời gian máy đặt máy mượn. Các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư được phép sử dụng máy đặt máy mượn này phục vụ kỹ thuật xét nghiệm, cấp cứu, điều trị người bệnh. Bảo hiểm y tế tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất.
Các cơ sở y tế cũng sẽ được phép sử dụng trang thiết bị do cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tặng, tài trợ (gồm trang thiết bị liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng), nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
Ông Cơ đánh giá một trong những tháo gỡ có tác động mạnh mẽ nhất là cho phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền (không cần tham khảo 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau như quy định trước đó), tạo thuận lợi cho mua sắm đấu thấu. Như vậy, Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, K... đã có thể mua được các thiết bị lần đầu tiên vào Việt Nam mà chỉ có một nhà cung cấp, chỉ có một báo giá.
"Việc này rất quan trọng, các bệnh viện sẽ triển khai kỹ thuật mới, phát triển khoa học kỹ thuật từ đó phục vụ bệnh nhân tốt hơn", ông Cơ nói. Đối với những thiết bị đang bị hỏng, "đắp chiếu", quy định mới cũng cho phép Bạch Mai được sửa chữa để phục vụ điều trị.
Ví dụ, trước đây bệnh viện cần sửa máy cộng hưởng từ của hãng Siemens, quy định mua sắm yêu cầu 3 báo giá. Tuy nhiên máy do hãng độc quyền, hỏng đành "đắp chiếu" chứ không có linh kiện ngoài hãng để thay thế. Nay, bệnh viện được mua linh kiện chính hãng để sửa chữa trang thiết bị. "Chúng tôi sẽ nhanh chóng sửa chữa những thiết bị đang hỏng hóc, đắp chiếu, để đưa vào phục vụ khám, chữa bệnh", ông Cơ cho biết.
Tương tự, Bệnh viện K có 5 máy xạ trị, 2 máy hỏng và không thể thay thế linh kiện đúng hãng thì nay có thể đấu thầu mua trang thiết bị mà không sợ sai quy định. "Hiện, chúng tôi có thể đấu thầu sửa chữa máy chỉ trong 10 ngày", lãnh đạo Bệnh viện K nói.
Với Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, lãnh đạo đơn vị này cho biết Nghị quyết 30 "tháo gỡ được 70-80% vướng mắc". Trước đó, bệnh viện mới đấu thầu được 50-60% vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế; số còn lại không thể đấu thầu do không có đủ 3 báo giá cho các hạng mục (theo quy định cũ).
Tỏ ra lạc quan, ông Nguyễn Tường Sơn - Vụ trưởng Kế hoạch, Tài chính (Bộ Y tế), cho rằng hai văn bản Chính phủ vừa ban hành đã giải quyết vấn đề rất thiết yếu cho các bệnh viện. Những gói thầu đã trúng thầu có thể nhập khẩu được ngay, đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện đang thiếu. Và quan trọng hơn, ngay từ thời điểm này "các cơ sở y tế yên tâm mua sắm được ngay, làm đúng, không sợ sai".
Theo Bộ Y tế, Nghị quyết 30 có hiệu lực ngay khi ban hành nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; mở ra cơ chế đáp ứng nguồn cung cầu để bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh. Đây là căn cứ để các bộ, ngành, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, lãnh đạo bệnh viện xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ, góp phần đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế.
Còn Nghị định 07 đã tháo gỡ cho những vấn đề cấp bách trong mua sắm trang thiết bị y tế, đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng trang thiết bị y tế nhập khẩu tại các cửa khẩu.
Tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc từ giữa năm 2022. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức... không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu. Để giải quyết tình trạng "cấp cứu của cấp cứu", ngoài Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang đẩy nhanh tiến độ để sớm ban hành văn bản khác.
Lê Nga