Khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện lâm sàng, hầu hết đều nhẹ và tự qua khỏi. Bệnh nguy hiểm với thai phụ, nếu nhiễm virus trong ba tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến dị tật đầu nhỏ ở thai nhi, tỷ lệ khoảng 10%. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch nếu không thật sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ thông tin về dịch bệnh và điều kiện chăm sóc y tế, phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền.
Phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng dịch nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, xét nghiệm phát hiện virus Zika...
Người đã nhiễm, có tiếp xúc hay phơi nhiễm virus Zika cần chú ý:
- Người đang lưu trú tại vùng đang lưu hành dịch virus Zika nên thông báo với nhân viên y tế về dự định có thai. Tránh để bị muỗi đốt và cần được tư vấn về những nguy cơ nếu nhiễm virus trong thai kỳ cũng như những biện pháp phòng tránh. Lý tưởng nhất là nên trì hoãn việc có thai cho đến khi nguy cơ nhiễm bệnh thấp nhất.
- Nếu nhiễm virus Zika cần trì hoãn có thai trong 6 tháng kể từ lúc phát bệnh. Ngừa thai bằng bao cao su hoặc tránh quan hệ tình dục trong 6 tháng, kể cả oral sex hoặc dùng chung sex toys.
- Những người phơi nhiễm virus Zika nhưng không có biểu hiện lâm sàng nên xét nghiệm trong vòng 2 tuần kể từ lúc nghi ngờ và xét nghiệm lại 8 tuần sau đó. Nếu kết quả âm tính thì có thể có thai.
- Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy nguy cơ dị tật bẩm sinh ở những bà mẹ từng nhiễm virus Zika trước khi có thai và đã được điều trị ổn.
- Tư vấn trước khi có thai đối với nhiễm virus Zika rất khó vì hiện nay chưa có nhiều dữ liệu. Nếu chồng hoặc bạn tình của thai phụ bị nhiễm virus hay xét nghiệm virus Zika dương tính, cần sử dụng bao cao su khi giao hợp, hoặc kiêng quan hệ tình dục, kể cả oral sex và dùng chung sex toys.
- Trường hợp điều trị vô sinh, nam giới không nhiễm virus Zika trước đó nhưng dự định đến vùng lưu hành dịch cân nhắc trữ tinh trùng trước khi đi.
Hạn chế của xét nghiệm tầm soát Zika
- Xét nghiệm tầm soát Zika rất phức tạp, không luôn sẵn có, bảo hiểm chưa chi trả toàn cầu. Xét nghiệm nên thực hiện cho những cặp vợ chồng chuẩn bị có thai và có khả năng nhiễm Zika dù không có biểu hiện lâm sàng.
- Virus Zika có trong tinh dịch, dịch tiết cổ tử cung, dịch âm đạo và có thể lây truyền qua quan hệ tình dục nhưng không khuyến cáo xét nghiệm tìm virus bằng các dịch này, vì xét nghiệm huyết thanh hay nước tiểu có giá trị hơn.
Các trường hợp điều trị vô sinh bằng trứng, tinh trùng tự thân hay hiến tặng
- Theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), không hiến tặng trứng, tinh trùng trong vòng 6 tháng có chẩn đoán nhiễm virus Zika, cư trú hay đến vùng lưu hành virus Zika, có giao hợp với người từng nhiễm virus Zika hoặc đến vùng lưu hành virus Zika.
- Người cho trứng, tinh trùng trực tiếp cần được khám và đánh giá giống như người sử dụng trứng, tinh trùng tự thân.
- Người mang thai hộ nên tuân thủ khuyến cáo thời gian có thể mang thai giống những người chuẩn bị mang thai.
- Khi sử dụng phôi được hiến tặng, người sử dụng cần lưu ý khả năng phôi nhiễm virus Zika, đặc biệt những phôi được trữ trong khoảng thời gian quy trình tầm soát chưa đầy đủ.
Bác sĩ Lê Tiểu My
Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM)