Ngày 30/8, Bệnh viện Nhân dân Taizhou Jiangsu, ở tỉnh Giang Tô, phát hiện trường hợp đầu tiên là một nữ bệnh nhân bị thiếu máu nặng khi xét nghiệm nhóm máu và kháng thể. Đặc biệt, chị gái của bệnh nhân sau đó cũng có cùng nhóm máu Rhnull.
Đây là nhóm máu hiếm nhất trên toàn cầu và tính cả hai người này, thế giới có gần 50 trường hợp có nhóm máu Rhnull, kể từ lần đầu tiên nó được phát hiện vào năm 1961. Đó là một phụ nữ thuộc tộc người Aboriginal ở Australia. Thời điểm đó, người này sống một mình nên các bác sĩ không thể tìm ra dấu vết huyết hệ của bà.
Rhnull thậm chí còn quý hơn nhóm máu Rh âm tính (Rh-, còn gọi là "máu gấu trúc"). Những người mang nhóm máu Rhnull không có kháng nguyên Rh trên các tế bào hồng cầu, do đó họ có thể truyền máu cho những người có bất kỳ nhóm máu nào khác mà không có phản ứng đào thải. Vì lý do này, Rhnull được gọi là "nhóm máu quý hơn vàng". Tỷ lệ người có nhóm "máu vàng" là một trên 6 triệu người.
Tuy nhiên, việc sở hữu nhóm máu cực hiếm này có thể gây khó khăn, thậm chí không thể được truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng từ người khác.
Năm 2014, ông Thomas, sống tại Thụy Sĩ, một trong số 43 người nhóm máu Rhnull, đã chia sẻ những biện pháp đề phòng cần tuân thủ suốt đời để tránh rơi vào tình huống buộc phải tiếp máu. Thời thơ ấu, bố mẹ ông không cho con đi trại hè vì lo lắng Thomas có thể gặp tai nạn. Khi trưởng thành, người đàn ông này luôn lái xe cẩn trọng cũng như không bao giờ du lịch quốc gia thu nhập thấp hay trung bình do lo lắng cơ sở y tế nghèo nàn ở những nơi này. Ông luôn mang theo một tấm thẻ đặc biệt ghi chú nhóm máu siêu hiếm trong tình huống phải nhập viện.
Phương Nguyễn (Theo Global Times, Atlantic)