Sản phụ nhập viện Sản nhi Quảng Ninh cấp cứu lúc 23h đêm 20/11. Bác sĩ khám lâm sàng phát hiện âm đạo bệnh nhân có nhiều máu loãng lẫn máu cục, siêu âm thai nhi nặng 2,5 kg, nhau bám mặt sau tử cung. Trước đó ở tuần thai 33, chị đi khám phát hiện mắc nhau tiền đạo trung tâm chảy máu, đã được xử trí cầm máu và tiếp tục theo dõi thai.
Bác sĩ Nguyễn Thúy Hà, trưởng kíp mổ, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sức khỏe "nghìn cân treo sợi tóc" do nhóm máu cực hiếm, lại đang mất máu nặng. Bệnh nhân bị nhau tiền đạo trung tâm nên trong quá trình mổ sẽ mất máu, "nếu không kịp thời bổ sung nguồn máu cho bệnh nhân có thể dẫn đến suy thận, suy đa cơ quan...", bác sĩ nhấn mạnh.
Trước tình huống nguy cấp, bác sĩ Tạ Thu Hợp, Trưởng Khoa Huyết học, đã trực tiếp liên hệ được với 4 tình nguyện viên, những người có nhóm máu hiếm B/Rh (-) giống của bệnh nhân, kịp thời hiến 4 đơn vị máu cho sản phụ ngay.
Sau khi chuẩn bị được nguồn máu dự trữ, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ lấy thai. Bé trai nặng 2,5 kg. Sức khỏe hai mẹ con ổn định.
Ở Việt Nam, chỉ có 0,04-0,07% người thuộc nhóm máu Rh- (gồm O- hoặc B-, A-, AB-), còn lại là người mang nhóm máu Rh+. Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% gọi là nhóm máu rất hiếm.
Nhau tiền đạo trung tâm tức là nhau che kín một phần lỗ trong cổ tử cung. Đây là tai biến thai sản thường gặp, dễ gây tử vong cho mẹ và con nếu không xử trí kịp thời, chính xác.
Bác sĩ khuyến cáo sản phụ nên theo dõi sát sao và quản lý thai kỳ tại các cơ sở chuyên ngành sản khoa trong 3 tháng cuối khi cơ thể xuất hiện bất thường. Các trường hợp đã phát hiện nhau tiền đạo trung tâm nên nhập viện theo dõi vào những tháng cuối của thai kỳ để được chăm sóc, theo dõi và kịp thời phẫu thuật.