Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP HCM, tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ của bạn giúp bác sĩ có cơ sở tư vấn về các nguy cơ có thể xảy ra. Từ đó bạn kịp thời điều chỉnh về lối sống, cách sinh hoạt và đưa ra lộ trình điều trị phù hợp để giảm nguy cơ đột quỵ.
Tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ là cần thiết nếu bạn đang gặp phải những vấn đề dưới đây:
Gia đình có người thân bị đột quỵ
Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ, bạn có thể tăng nguy cơ do nếp sống, thói quen, yếu tố di truyền. Bạn hãy chia sẻ với bác sĩ thông tin tiền sử của gia đình để có lời khuyên tốt nhất.
Người bị tiểu đường
Tiểu đường là bệnh mạn tính, không lây, thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận... Người bị tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.
Người bị cao huyết áp
Huyết áp cao có thể gây ra bệnh về mạch máu, bao gồm cả tim và não. Bệnh về mạch máu có thể hình thành huyết khối trong khắp cơ thể, dẫn đến mạch máu khiếm khuyết, hình dạng bất thường. Chúng có thể bị vỡ nếu bị tác động bởi một sự thay đổi huyết áp lớn.
Cholesterol cao
Cholesterol cao có thể hủy hoại các lớp áo trong của mạch máu khắp cơ thể, bao gồm tim và não. Cholesterol có xu hướng hình thành và gây xơ cứng mạch máu, làm tăng nguy cơ máu bị đóng cục trong mạch máu, cản trở việc cung cấp máu lên não.
Người có bệnh lý về tim mạch
Người mắc bệnh lý về tim mạch như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim... thường có nguy cơ cao bị đột quỵ.
Hút thuốc lá
Người thường xuyên hút thuốc lá dễ viêm trong mạch máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ. Theo nghiên cứu, những người hút thuốc lá ít hơn 11 điếu trong một ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 46% so với người không hút. Hút hai gói thuốc một ngày nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần.