Theo CNN, đến nay chỉ duy nhất bệnh đậu mùa bị tận diệt. Hàng trăm năm đã qua, các dịch bệnh vẫn tồn tại, đe dọa sức khỏe con người bất chấp nỗ lực của ngành y tế toàn thế giới.
Dịch hạch
Vào thế kỷ 14, dịch hạch hay còn gọi là cái chết đen đã khiến 60% dân số châu Âu tử vong. Dịch hạch lây truyền qua bọ chét sống trên các loài gặm nhấm như chuột và sóc. Văcxin, thuốc kháng sinh và điều kiện sống được nâng cao đã phần nào hạn chế dịch hạch.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định toàn cầu hiện có khoảng 1.000-3.000 ca dịch hạch mỗi năm, tập trung ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á. Năm nay, Mỹ ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh.
Rubella
Virus rubella truyền từ tử cung mẹ không được tiêm văcxin sang trẻ sơ sinh, dẫn đến nhiều dị tật bẩm sinh hoặc tử vong. Văcxin rubella bắt đầu được sử dụng vào năm 1970 đã giúp nhiều nước kiểm soát căn bệnh. Tháng 4 năm nay, Mỹ là quốc gia đầu tiên hoàn toàn thoát khỏi rubella sau chiến dịch tiêm văcxin kéo dài 15 năm.
Tuy vậy, rubella vẫn tồn tại ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt là châu Phi và Đông Nam Á. Ước tính mỗi năm còn khoảng 110.000 trẻ em sinh ra với hội chứng rubella bẩm sinh.
Bệnh phong
Bệnh phong lây lan do tiếp xúc với người mắc bệnh. Nó làm tổn thương các tế bào thần kinh và da, gây lở loét biến dạng, có thể tàn tật vĩnh viễn. Bước đột phá đầu tiên trong điều trị bệnh phong là vào năm 1945 với sự ra đời của thuốc dapson, nhưng vi khuẩn nhanh chóng kháng thuốc. Loại thuốc mới hiệu quả hơn được điều chế vào thập kỷ 1970.
Trong vòng 30 năm qua, số ca mắc bệnh phong trên toàn cầu giảm đáng kể, từ 5,2 triệu năm 1985 xuống còn 216.000 năm 2013. Căn bệnh vẫn là vấn đề đáng quan tâm ở Ấn Độ, Brazil và Indonesia, 3 nước tập trung 80% bệnh nhân phong.
Gút
Gút là dạng viêm khớp gây ra bởi sự tích tụ axit uric hoặc urate, dẫn đến hiện tưọng đau, sưng, đỏ. Được phát hiện bởi người Ai Cập, gút từng có biệt danh "căn bệnh của nhà vua" bởi liên quan đến việc hấp thụ quá nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng và rượu.
Lối sống không lành mạnh và béo phì khiến gút hoành hành ở các nước phát triển. Theo một nghiên cứu, 8,3 triệu người Bắc Mỹ mắc bệnh này, tương đương với 4% dân số trưởng thành. Ở châu Âu, Hy Lạp là nước có nhiều bệnh nhân gút nhất.
Ho gà
Ho gà là căn bệnh nhiễm trùng khiến đường hô hấp bị phình ra. Ho gà gây ho dữ dội và những tác hại nghiêm trọng đối với trẻ em. Năm 2008, khoảng 16 triệu trường hợp mắc bệnh ho gà trong đó 195.000 trẻ em tử vong. 95% số này tập trung tại các nước đang phát triển.
Bạch hầu
Bạch hầu ảnh hưởng đến mũi và cổ họng, lây nhiễm do ho hoặc hắt hơi. 5-10% bệnh nhân nhiễm bệnh bị tử vong. Năm 2011, gần 5.000 người mắc bệnh bạch hầu được phát hiện trên thế giới, tuy nhiên con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. Căn bệnh này hiện vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia châu Phi và châu Á do tỷ lệ tiêm chủng văcxin thấp.
Tinh hồng nhiệt
Bệnh gây ra bởi vi khuẩn ở da và cổ với triệu chứng là phát ban đỏ. Các vi khuẩn phát tán qua hắt hơi, ho, động chạm vào phần da nhiễm trùng hoặc dùng chung quần áo với người bệnh. Hiện chưa có văcxin cho tinh hồng nhiệt.
Từ năm 1840 đến 1883, tỷ lệ tử vong do bệnh tinh hồng nhiệt vượt quá 30% ở một số khu vực thuộc Mỹ và châu Âu. Sau năm 1950, nhờ điều kiện sống tốt và thuốc kháng sinh, căn bệnh trở nên hiếm gặp. Tuy vậy, đến năm 2014, có 14.000 ca tinh hồng nhiệt được phát hiện ở Mỹ. Đây là mức cao nhất kể từ cuối thập kỷ 1960. Hong Kong năm 2011 cũng ghi nhận 1.500 ca bị bệnh, trong đó 2 người tử vong.
Lao
Từng được biết đến với tên gọi "dịch bệnh màu trắng" vào thế kỷ 18 ở châu Âu, lao giờ đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới, trên cả HIV. Năm 2013, lao đã giết khoảng 1,5 triệu người và khiến 9 triệu người khác nhiễm bệnh. Lao có thể chữa khỏi nhưng các dạng lao kháng thuốc xuất hiện dẫn đến việc điều trị trở nên phức tạp.
Lao lây qua không khí, đặc biệt trong điều kiện nhà đông người và thông gió kém. Lao đặc biệt nghiêm trọng đối với bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, ví dụ do nhiễm HIV.
Còi xương
Còi xương khiến xương trẻ em mềm và bị uốn cong, thường do thiếu vitamin D và canxi. Được coi là căn bệnh của thế kỷ 19, bệnh còi xương vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia vì trẻ không có đủ thời gian ra ngoài và ăn uống thiếu chất.
Bại liệt
Con người đã sống chung với bại liệt từ hàng nghìn năm trước. Virus bại liệt lây lan qua tiếp xúc với phân nhiễm bệnh hoặc hắt hơi, ảnh hưởng đến não và tủy sống do đó gây tàn tật ở một số trường hợp. Nhờ văcxin, số lượng bệnh nhân bại liệt đã giảm 99%. Năm nay, 51 ca bại liệt được phát hiện ở Afghanistan và Pakistan.
Minh Nguyên