Trao đổi với VnExpress.net, bà Nguyễn Thiên Hương, phụ trách truyền thông Công ty URC Việt Nam (nhà sản xuất nước giải khát C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ), cho biết, định kỳ mỗi 6 tháng URC gửi mẫu sản phẩm để kiểm tra tiêu chuẩn. Đầu tháng 1 năm nay, URC gửi mẫu trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NICF) và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Quatest 3). Kết quả từ NICF có phát hiện hàm lượng chì, còn kết quả của Quatest 3 không phát hiện chì.
Vì các kết quả lệch nhau nên sau đó URC chủ động gửi các mẫu đối chiếu và nguyên liệu (lấy cùng lô và khác lô với mẫu NICF kiểm nghiệm có chì) đến nhiều trung tâm đo lường kiểm tra chất lượng khác nhau như NIFC, Quatest 1, Quatest 3, Eurofins, SGS, ASE... Ngoại trừ NIFC, các trung tâm còn lại đều không phát hiện chì. Dù vậy, mẫu kiểm nghiệm sản phẩm lần này tại NIFC cho thấy hàm lượng chì trong giới hạn an toàn.
URC tiếp tục gửi mẫu nguyên liệu axit citric và các sản phẩm C2, Rồng Đỏ đến trung tâm kiểm nghiệm độc lập hàng đầu quốc tế Setsco. Theo URC, kết quả trả về ngày 11/5 cho thấy tất cả mẫu đều an toàn, không nhiễm chì. Theo xét nghiệm ngẫu nhiên mới nhất vào ngày 10/5 của NIFC, các mẫu nguyên liệu axit nitric của URC cũng đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước sự thiếu đồng nhất của các kết quả kiểm nghiệm này, URC bị nghi ngờ hối lộ các cán bộ NIFC để có kết quả như ý. Đại diện công ty cho rằng đó là thông tin bịa đặt. "Công ty đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm sáng tỏ vụ việc", bà Hương cho biết.
Liên quan đến nghi vấn này, Phó giáo sư Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, URC Việt Nam có gửi mẫu nguyên liệu, sản phẩm đến Viện để kiểm nghiệm. Một số phiếu kiểm nghiệm về hàm lượng chì của C2 và Rồng Đỏ phát tán trên mạng xã hội đúng là do cơ quan này thực hiện.
“Viện thực hiện đúng chuyên môn và quy trình. Khách hàng đưa mẫu đến kiểm nghiệm tiêu chí gì, Viện xét nghiệm tiêu chí đấy và trả kết quả, bảo mật thông tin theo quy định”, phó giáo sư Hảo nói.
Theo quy định của Viện, các phiếu kiểm nghiệm lưu tại đơn vị không đóng dấu trừ phiếu giao cho khách hàng. Lãnh đạo Viện cũng bác thông tin URC "biếu tiền" cho 2 cá nhân của Viện để làm thay đổi kết quả kiểm nghiệm. Viện đã kiến nghị lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan chức năng điều tra giải quyết vụ việc.
Trước đó mạng xã hội xuất hiện phiếu kiểm nghiệm mẫu nguyên liệu, nước giải khát C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ cho thấy hàm lượng chì trong mẫu vượt ngưỡng cho phép; đồng thời dấy lên nghi án nhà sản xuất đã hối lộ một tỷ đồng cho hai cá nhân của Viện để làm thay đổi kết quả kiểm nghiệm. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, việc doanh nghiệp gửi mẫu nguyên liệu, sản phẩm đến các đơn vị xét nghiệm là hoạt động bình thường, chủ động của họ. Kết quả này không thể dùng làm căn cứ để xử lý vi phạm nếu phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả xét nghiệm ban đầu với 5 mẫu nước C2 và 5 mẫu nước Rồng đỏ mới đây cho thấy đều có hàm lượng chì nằm trong giới hạn quy định. Thanh tra Bộ Y tế đang phối hợp với công an làm rõ vụ việc. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã chỉ đạo lập đoàn thanh tra Công ty URC. |
>> Xem thêm
Truy nghi vấn nước giải khát nhiễm chì và hối lộ cán bộ kiểm nghiệm
Kiểm tra nồng độ chì của hai loại nước giải khát, tăng lực
Trần Ngoan - Nam Phương