Phó giáo sư Băng Sương cho biết, các phương pháp phát hiện ung thư gan đang áp dụng hiện nay chủ yếu là chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm. Đây này đơn giản, ít tốn kém, không gây hại, có thể phát hiện khối u từ một cm trở lên. Các phương pháp khác như chụp cắt lớp điện toán (CT Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ giúp thấy khối u rõ hơn. Dù vậy, ngay cả khi được chẩn đoán ung thư, bệnh nhân vẫn cần được làm sinh thiết gan để kiểm tra chắc chắn.
Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có một nhược điểm là chỉ phát hiện được ung thư khi đã xuất hiện các khối u. Do vậy nhu cầu cấp thiết hiện nay là tìm ra các các kỹ thuật mới cho phép phát hiện những chỉ dấu sinh học, miễn dịch (do tế bào ung thư tiết ra) nhằm phát hiện ung thư sớm trước khi hình thành khối u. Nhơ vậy sẽ nâng cao hiệu quả điều trị, theo dõi tiến triển của ung thư và tăng tỷ lệ sống thêm cho bệnh nhân.
Năm 2008, Hiệp hội Gan học Nhật Bản đã đưa ra bảng chỉ dẫn tầm soát ung thư Carcinom tế bào gan bằng cách sử dụng 3 chỉ dấu AFP, AFP-L3, DCP. Tại Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM là một trong những cơ sở y tế tiên phong triển khai bộ 3 xét nghiệm này để tầm soát ung thư gan, đặc biệt ở những bệnh nhân bị viêm gan B và C.
Xét nghiệm AFP (α-fetoprotein)
AFP đã được nhiều quốc gia ứng dụng rộng rãi trong xét nghiệm tầm soát ung thư Carcinom tế bào gan. AFP là glycoprotein được tổng hợp chính ở gan phôi thai và túi noãn hoàng. Trẻ mới đẻ sinh nồng độ AFP - huyết thanh khoảng 40-50 ng/mL, sau đó nhanh chóng giảm xuống mức bình thường. Từ 2 tuổi nồng độ này còn dưới mức 0-6 ng/mL. Ở người lớn khỏe mạnh, chỉ số này là 0-7 ng/mL.
Nồng độ AFP-huyết thanh 20 ng/mL là giá trị ngưỡng được sử dụng nhiều nhất để phân biệt bệnh nhân có và không có Carcinom tế bào gan. Xét nghiệm AFP cho độ nhạy khoảng 41-65%, độ đặc hiệu 80-90%. Nồng độ AFP - huyết thanh tương quan thuận với nhau nên có thể sử dụng như một chỉ dấu có giá trị để phát hiện Carcinom tế bào gan và đánh giá giai đoạn của bệnh.
Lưu ý: AFP ở phụ nữ mang thai được đo qua máu của người mẹ hoặc dịch ối. Đây cũng là một biện pháp tầm soát các dị dạng thai nhi, như thoát vị rốn, Carcinom tế bào gan hoặc u gan, các khiếm khuyết của ống thần kinh, u tế bào mầm không phải tinh bào, u túi noãn hoàng, thất điều do giãn mạch.
Ở người lớn, nồng độ AFP cao (trên 500 ng/mL) ghi nhận trong các trường hợp bị bệnh Carcinom tế bào gan, u mầm bào ở tinh hoàn hay buồng trứng, ung thư di căn của gan, thất điều do giãn mạch. Một số người không bị ung thư gan nhưng có nồng độ AFP tăng khi mắc bệnh gan mạn, viêm gan, xơ gan, u quái tinh hoàn, phụ nữ có thai. Cũng có một số bệnh nhân ung thư gan nhưng AFP không tăng. Do vậy các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu tìm các chỉ dấu chẩn đoán ung thư gan hiệu quả hơn là AFP-L3 và DCP.
Xét nghiệm AFP-L3
AFP-L3 được sản xuất bởi các tế bào gan bị ung thư, gắn vào một protein đặc biệt là Lens culinaris agglutinin (LCA) với ái lực cao. AFP-L3 tìm thấy ở những người bị Carcinom tế bào gan. Giá trị ngưỡng của AFP-L3 trong phát hiện Carcinom tế bào gan là 10%, xét nghiệm có độ nhạy 56% và độ đặc hiệu 90%. AFP-L3 có thể báo động cho sự phát triển sớm của HCC trước khi phát hiện bằng hình ảnh học.
Xét nghiệm DCP hay PIVKA-II
Prothrombin là một yếu tố đông máu được sản xuất bởi gan. DCP (Des-gamma carboxyprothrombin) là một dạng prothrombin bất thường được tạo ra trong tình trạng thiếu vitamin K, thường gặp ở những người dinh dưỡng tồi hay kém hấp thu, dùng warfarin hoặc các thuốc ức chế hoạt động của vitamin K. DCP có thể được sản xuất bởi các khối u gan và mức độ thường tăng lên khi bị Carcinom tế bào. Nồng độ DCP bình thường là 0-7,5 ng/mL. Với giá trị ngưỡng là 25 ng/mL thì xét nghiệm DCP có độ nhạy là 87%, độ đặc hiệu là 85% trong các trường hợp Carcinom tế bào gan.
Nhiều nghiên cứu cho thấy DCP gia tăng thường phản ảnh tình trạng của bệnh, kích thước khối u, sự xâm lấn tĩnh mạch cửa. Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc điều trị ung thư gan bằng phương pháp khác, nồng độ DCP giảm nhanh. Nếu DCP tăng trở lại sau điều trị là dấu hiệu thể hiện bệnh tái phát hoặc điều trị thất bại.
Phần lớn các nghiên cứu bệnh chứng so sánh trong chẩn đoán Carcinom tế bào gan cho thấy độ nhạy của DCP cao hơn AFP. Các chuyên gia khẳng định sự kết hợp của DCP và AFP giúplàm tăng rõ rệt độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán bệnh sớm.
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net