Ngày 22/4, Bộ Y tế tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam vẫn ở mức cao và xu hướng tăng nhanh, tạo gánh nặng đến y tế và kinh tế.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính toán phí tổn kinh tế do rượu bia chiếm 1,3-3,3% GDP của mỗi quốc gia. Như vậy, ở Việt Nam nếu tính ở mức thấp nhất, thiệt hại kinh tế liên quan rượu bia khoảng 65.000 tỷ đồng.
Chi phí để giải quyết các hậu quả về sức khỏe liên quan đến việc sử dụng rượu bia cũng rất lớn. Tổng chi phí y tế cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú, cổ tử cung) gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm 1% GDP, tương đương 50.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động, thứ trưởng Sơn cho biết. Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn một năm. Năm 2017, người Việt đã uống khoảng 305 triệu lít rượu tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương 161 triệu lít cồn. Dự báo đến năm 2025, mức tiêu thụ bình quân của mỗi người Việt Nam là 7 lít cồn một năm.
"Uống rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam bày tỏ lo ngại về tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam. Điều tra năm 2015 cho thấy 44% người uống rượu bia ở Việt Nam ở mức "quá độ, nguy hiểm".
Ông Park lưu ý nhiều người vẫn đang nhầm lẫn khi cho rằng uống bia ít nguy hại hơn uống rượu. Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm. Tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống.
"Nếu uống 6 cốc bia trong một lần sẽ rất nguy hại. Đó là uống rượu bia quá độ", ông nói.
Tình trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến gần 80.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện. Khoảng 15% số giường tại các bệnh viện tâm thần dành cho người bệnh loạn thần do rượu bia.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết kinh nghiệm tại Thái Lan, sau khi có các luật kiểm soát rượu bia đã góp phần giảm 50% số vụ tai nạn giao thông, tiết kiệm hơn 6 tỷ USD chi phí khắc phục hậu quả.
WHO tính toán với mỗi một USD chi để thực hiện các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu bia, một quốc gia sẽ thu được lợi ích tương đương 9,13 USD.
Hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Đến nay, mới có Nghị định số 105 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244 năm 2014 về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Hiện cần các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, các đại biểu tại hội thảo nêu ý kiến.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và đang được tiếp tục hoàn thiện. Dự kiến dự thảo sẽ tiếp tục được trình Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 7 diễn ra vào tháng 5.
Trong dự thảo luật, Bộ Y tế đề xuất 3 phương án giờ cấm bán rượu bia; cấm quảng cáo bia; quy định tuổi được phép mua bán bia rượu... WHO cũng gửi thư đến Thủ tướng khuyến nghị kiểm soát rượu bia.
Trong khi đó các doanh nghiệp ngành sản xuất bia rượu cho rằng người Việt "không uống nhiều rượu bia".
Bộ Y tế đang tiếp tục lấy ý kiến đại biểu quốc hội về dự thảo luật, đặc biệt là các giải pháp để kiểm soát, ngăn ngừa sử dụng rượu bia ở giới trẻ.