Ngày 25/5, Bộ Y tế tổ chức hội thảo góp ý dự án luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Pháp chế Bộ Y tế, cho biết dự thảo đề xuất cấm khuyến mại rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; cấm dùng rượu bia làm giải thưởng cho các cuộc thi; cấm cung cấp rượu bia miễn phí. Đồng thời, nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu rượu bia từ 15 độ trở lên. Loại dưới 15 độ thì cấm quảng cáo trên phương tiện giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, kênh truyền hình, phim... có đối tượng người xem là trẻ em. Cấm quảng cáo bia trên mạng xã hội.
Bà Trang lý giải, nhu cầu sử dụng rượu bia có xu hướng tăng nhanh, nhất là bia. Mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm (5 năm trước chỉ 3,8 lít). Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 7 lít cồn một năm. Trên thế giới, mức tiêu thụ chỉ tăng từ 6,1 lít lên 6,2 lít và ổn định trong 15 năm qua.
Tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia cũng cao nhất thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới. Số nam, nữ trên 15 tuổi có sử dụng rượu bia trong 30 ngày qua tăng từ 70% và 6% năm 2010 lên 80% và gần 12% năm 2015. Người trẻ tuổi uống rượu bia đang gia tăng, trong đó tuổi vị thành niên, thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm.
Hiện luật quảng cáo chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên, quy định quản lý bia như quản lý các đồ uống khác. Trong khi đó bia và rượu có tác hại như nhau khi quy ra nồng độ cồn nguyên chất. Vì thế, bà Trang cho rằng cần kiểm soát việc quảng cáo bia cho phù hợp.
"Việt Nam đang được xem là thị trường rất hấp dẫn với hãng rượu bia, chỉ sau Mexico. Chúng ta cũng chưa có quy định hạn chế với thanh thiếu niên, nên bất cứ giờ nào các em cũng tiếp cận được với quảng cáo bia", bà Trang nhấn mạnh.
Nghiên cứu trên 166 quốc gia cho thấy có 10% nước cấm trên toàn bộ phương tiện truyền thông, 50% cấm một phần. Theo chuyên gia, giảm quảng cáo là giảm được mức độ tiêu thụ của người uống.
Rượu bia là đồ uống có khả năng gây nghiện nếu sử dụng thường xuyên. Không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia mà tùy thuộc vào giới, tuổi, đặc điểm sinh học, mức độ, cách uống... Tuy nhiên, dù chỉ uống dưới một lon bia 330 ml mỗi ngày vẫn có thể liên quan đến 7 loại ung thư phổ biến hiện nay là vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... và có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác.
Chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, trong đó có 5 bệnh liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú) lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012. Khoảng 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần dành điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia ước tính gần một tỷ USD năm 2010.
Dự thảo luật cũng đưa ra 3 phương án về thời gian cấm bán rượu, bia. Phương án 1 là chỉ được bán rượu, bia vào 11-14h và 17-22h hằng ngày; trừ trường hợp bán tại khu vực bay quốc tế và khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia 6-22h hằng ngày, trừ khu vực bay quốc tế và tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Bộ Y tế cũng đề xuất các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đóng góp để lập Quỹ nâng cao sức khỏe (từ quỹ phòng chống tác hại thuốc lá) nhằm có kinh phí cho các hoạt động phòng chống tác hại của rượu bia. Đại diện doanh nghiệp rượu bia không đồng tình với đề xuất lập quỹ này; đồng thời cho rằng sản lượng rượu bia thời gian qua giảm, đang có xu hướng chững lại chứ không tăng.
Lý do bạn không nên uống rượu bia