Bác sĩ Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí với trẻ em. Nhiều ca bệnh được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9 đến 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi.
Báo cáo ở hầu hết quốc gia hiện cho thấy độ tuổi của người mắc bệnh ngày càng trẻ, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2. Trước đây, tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra ở người trung và cao tuổi (40 tuổi trở lên), nhưng hiện nay nhiều người mắc bệnh khi mới 25-30 tuổi, thậm chí ở tuổi vị thành niên.
Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2017, cứ 11 người trưởng thành (từ 20 đến 79 tuổi) có một người mắc bệnh, khoảng 1/6 số trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ.
Nghiên cứu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh của Bộ Y tế, cho thấy bệnh đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba tại Việt Nam, sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong một ngày.
Theo bác sĩ Lương, thói quen ăn đồ ăn nhanh, uống trà sữa, lối sống ít vận động, ô nhiễm môi trường khiến giới trẻ tích tụ nhiều mỡ, tăng béo phì. Một số bạn trẻ thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn uống thiếu điều độ, bỏ bữa vì chơi game, xem tivi gây tình trạng kháng insulin và rối loạn chuyển hóa... dẫn tới bệnh tiểu đường.
Thời kỳ mới phát béo, sự đề kháng hormone tăng lên làm giảm sút hiệu quả của hormone nội tiết. Để khắc phục, tuyến tụy phải hoạt động liên tục khiến chức năng tiết hormone suy giảm và không đủ để duy trì chuyển hóa đường trong máu, gây tiểu đường tuýp 2 ở người trẻ.
Điều trị đái tháo đường quan trọng nhất là kiểm soát tốt chỉ số đường huyết ở mức an toàn. Nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh từ năm 24 đến 25 tuổi, sau khoảng 4 năm áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, giảm cân và dùng thuốc kiểm soát đường huyết vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường.
Cách kiểm soát và phòng ngừa bệnh tiểu đường:
- Chế độ ăn khoa học: Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, vitamin từ rau xanh, trái cây tươi, hạn chế ăn mỡ và phủ tạng động vật, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, giảm khẩu phần bữa tối. Tránh xa đồ uống có cồn và chất kích thích.
- Tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng trong giới hạn chỉ số BMI an toàn. Tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
- Kiểm soát cân nặng: Nên kiểm tra cân nặng thường xuyên để kịp thời điều chỉnh trong mức cho phép.
- Khám sức khỏe định kỳ: Phát hiện và điều trị sớm bệnh tiểu đường giúp ngăn chặn và làm giảm các biến chứng nguy hiểm.
Bộ Y tế dự báo hiện nay có khoảng 3,5 triệu người Việt mắc tiểu đường và sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Đến gần 70% không biết mình bị bệnh. 85% bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân...