16h30 ngày 18/2, chuyến tàu SE7 hành trình Hà Nội - TP HCM dài 34 giờ, kết thúc tại ga Sài Gòn. Khoảng 50 hành khách và 17 nhân viên tàu lần lượt xếp hàng xuống sân ga, đi vào đường phân luồng một chiều, qua máy đo thân nhiệt tự động. Những người sốt, ho... hoặc đến từ 13 tỉnh, thành phố có Covid-19 và toàn bộ nhân viên tàu được hướng dẫn sang khu vực lấy mẫu dịch mũi, họng xét nghiệm nCoV.
Anh Nguyễn Huy Đạt, 26 tuổi, nhân viên kiểm dịch Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết trong danh sách hành khách chuyến SE7 có một người khách cần lấy mẫu xét nghiệm do đến từ Hà Nội. Tuy nhiên, theo thông tin từ trưởng tàu, hành khách này đã xuống ở một ga dọc đường. Do đó, trong lượt lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đầu tiên ngày 18/2 tại ga Sài Gòn, không có người khách này, chỉ gồm 17 nhân viên tàu.
Tại khu lấy mẫu, người được lấy mẫu thực hiện khai báo y tế lần hai, cùng các thông tin cá nhân như địa chỉ cư trú, số chứng minh thư, số điện thoại... Các dữ liệu sau đó được nhập lên hệ thống giám sát y tế. Mỗi người được cấp một mã số định danh riêng (code), dán lên phiếu thông tin và ống lưu bệnh phẩm. Người được lấy mẫu trực tiếp cầm ống lưu mẫu của mình, đưa cho nhân viên y tế khi đến lượt, nhằm tránh nhầm lẫn, sai sót.
Ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế tựa, anh Phạm Hữu Nghĩa, 21 tuổi, nhân viên phục vụ toa hàng ăn tàu SE7, chờ đến lượt. Anh kéo chiếc khẩu trang xuống dưới mũi, che miệng khi nhân viên y tế phết dịch tỵ hầu (sau ổ mũi). Đến khi phết dịch họng, anh mới kéo hẳn khẩu trang xuống cằm.
"Tôi hơi khó chịu và ngứa mũi, muốn hắt hơi nhưng kiềm lại được", anh Nghĩa nói.
Anh Nghĩa cho biết mình theo chuyến tàu khứ hồi tổng cộng bốn ngày, tiếp xúc với hàng nghìn lượt hành khách. Việc lấy mẫu xét nghiệm nCoV khiến anh an tâm hơn. Trong thời gian chờ kết quả, anh về nhà nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc. Vài ngày tới, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, anh sẽ bắt đầu hành trình tiếp theo.
Chị Nguyễn Yên Lam, 24 tuổi, kỹ thuật viên xét nghiệm, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, trực tiếp phết dịch mũi họng cho người có nguy cơ lây nhiễm nCoV. Lần đầu tiên làm công việc này, chị nói "hơi lo lắng". Bình thường chị làm nhiệm vụ phân tích mẫu trong phòng xét nghiệm, hoặc tham gia công tác hậu cần lấy mẫu tại sân bay Tân Sơn Nhất.
"Tốc độ lấy mẫu ở hai người đầu tiên chậm hơn một chút so với lúc tập huấn", Lam chia sẻ.
Ở những người tiếp theo, Lam lấy lại bình tĩnh, hình dung và làm theo tất cả những kỹ thuật đã được tập huấn trước đó. Chị giải thích quy trình ngắn gọn và hướng dẫn người lấy mẫu thở bằng mũi khi lấy dịch họng và ngược lại.
Dùng cây tăm bông dài khoảng 15 cm, chị xoay vài vòng trong lỗ mũi họng rồi nhẹ nhàng ấn sâu vào trong, cảm thấy có vật cản thì dừng lại. Giữ và xoay chừng 5 giây thì rút tăm bông ra, cắm vào ống lưu mẫu. Tiếp theo, chị yêu cầu người lấy mẫu thở bằng mũi, há rộng miệng để lấy dịch họng. Cả hai cây tăm bông được bỏ chung một ống mẫu, cắt ngắn ngang miệng ống, đóng chặt nắp.
Theo chị Lam, để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo, nhân viên y tế ngoài việc chỉn chu phương tiện phòng hộ cá nhân, còn cần có vài "mẹo". Đó là đứng lệch sang một bên, tránh mặt đối mặt với người lấy mẫu. Như vậy, nếu họ thở, ho hoặc hắt hơi sẽ không tiếp xúc trực diện với mặt nhân viên y tế.
"Kết quả xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào chất lượng mẫu. Chúng tôi phải tỉ mỉ hết sức, đảm bảo lấy đúng, lấy trúng để không làm sai lệch kết quả", chị Lam cho hay.
Mẫu bệnh phẩm được sắp xếp theo mỗi chuyến tàu, bọc kín, khử khuẩn đảm bảo an toàn tuyệt đối với môi trường bên ngoài. Đến cuối ngày, xe vận chuyển riêng đưa mẫu đến Bệnh viện Quận 2, nơi chịu trách nhiệm phân tích và trả kết quả các mẫu trong vòng 24 giờ.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, HCDC không cần thông báo cho người lấy mẫu. Còn trường hợp dương tính nCoV, nghi nhiễm thì sẽ gọi điện ngay cho chủ mẫu, yêu cầu khai báo y tế. Họ sẽ được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm khẳng định lần hai.
Ba ngày qua, mỗi ngày tại ga Sài Gòn lấy ngẫu nhiên 70-100 mẫu. Hành khách đến từ các tỉnh có dịch dừng chân tại ga khá ít. Có chuyến 5-6 người, chuyến không có ai. Hải Dương đã giãn cách xã hội toàn tỉnh, các vùng dịch khác cũng khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ, người dân không đi lại nhiều, hoặc họ dừng ở các ga trước đó. Vì vậy, thời gian lấy mẫu trải dài ở nhiều chuyến tàu hơn. Đối tượng lấy mẫu chủ yếu là nhân viên đường sắt, theo anh Đạt.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Ga Sài Gòn cho biết, tết năm nay, nhiều chuyến tàu Bắc - Nam phải hủy vì không có người mua vé. Lượng hành khách về ga Sài Gòn giảm sâu so với tết năm ngoái. Hiện lãnh đạo Ga Sài Gòn chưa thống kê được số lượt khách giảm bao nhiêu phần trăm so Tết trước.
Từ ngày 16/2, HCDC bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với người đến TP HCM bằng các phương tiện giao thông công cộng. Khoảng 10-20% khách đến sân bay Tân Sơn Nhất và mỗi địa điểm như ga Sài Gòn, bến xe quận 12, bến xe miền Đông cũ và mới sẽ lấy 100 mẫu đơn một ngày. Căn cứ vào tình hình dịch, HCDC sẽ thông báo điều chỉnh số lượng mẫu giám sát cần lấy.
Thư Anh