Hai học sinh còn lại có triệu chứng nhẹ, đang được Trung tâm Y tế huyện Sơn Động theo dõi. Nguyên nhân phản vệ đang được hội đồng chuyên môn xem xét.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Sơn Động, hôm 24/11 các em này tiêm mũi một vaccine Pfizer ở điểm tiêm chủng lưu động trường THPT Sơn Động số 2 và trường Phổ thông dân tộc nội trú của huyện. Các em được khám sàng lọc cho thấy sức khoẻ tốt, lần lượt tiêm lúc 10h27 và 15h27.
Sau khi tiêm 15-30 phút, các em xuất hiện triệu chứng choáng váng, khó thở, đau tức ngực, buồn nôn, da tái, nhịp tim chậm, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy máu) dưới 90%.
Bắc Giang tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh 12-18 tuổi từ ngày 12/11, số lượng dự kiến là 173.977 em. Đến nay, khoảng 60.000 học sinh toàn tỉnh đã tiêm mũi một. Hiện chưa rõ số lô vaccine và bao nhiêu học sinh đã tiêm tại hai điểm tiêm ở huyện Sơn Động.
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố TP HCM), trẻ có thể gặp phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine Pfizer, song tỷ lệ rất hiếm. Phản ứng phản vệ biểu hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, diễn biến nhanh. Trẻ có thể có triệu chứng trên da như nổi mề đay, ngứa, sưng đỏ, sưng môi, mặt, cổ, họng hoặc biểu hiện về hô hấp như nghẹt mũi, thay đổi giọng nói, cảm giác cổ họng bị nghẹn, nói và nuốt khó, thở khò khè, ho nhiều... Do đó, trẻ cần được theo dõi sát sau khi tiêm 30 phút và trong vòng 28 ngày sau tiêm.
Hiện, gần 30 tỉnh thành trên cả nước đã tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, với hơn 2 triệu liều. Đến ngày 24/11 khoảng 23,1% trẻ độ tuổi này đã tiêm ít nhất một liều. Trong đó, TP HCM là địa phương đầu tiên triển khai tiêm cho trẻ, hiện 93% học sinh tuổi 12-17 đã tiêm ít nhất một liều.
Đánh giá chung của Bộ Y tế và các địa phương là công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, không ghi nhận các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm ở trẻ.
Chi Lê