Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018 Việt Nam có hơn 14 nghìn người mắc mới ung thư đại trực tràng và hơn 7 nghìn trường hợp tử vong vì bệnh này. Nghệ sĩ hài Anh Vũ vừa qua đời tại Mỹ, đã phát hiện và điều trị ung thư đại tràng suốt 19 năm qua.
Bệnh xếp hàng thứ 5 trong số những ung thư thường gặp ở cả hai giới. Ở nữ giới, đây là bệnh ung thư phổ biến thứ hai sau ung thư vú. Ở nam giới, bệnh đứng sau ung thư gan, phổi, dạ dày.
Đại tràng và trực tràng được gom chung gọi là đại trực tràng, dân gian gọi là ruột già. Ruột già dài khoảng 1,5 m. Trực tràng là đoạn cuối ruột già, nối với hậu môn, dài 12-15 cm.
Bác sĩ Trần Nguyên Hà, Trưởng Khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, ung thư có thể xuất phát từ bất kỳ vị trí nào của đại trực tràng. Phần lớn ung thư đại trực tràng bắt nguồn từ các "cục" nhỏ lành tính trong ruột gọi là polyp hoặc bướu tuyến. Theo thời gian một vài polyp có thể hóa ác trở thành ung thư.
Polyp lúc đầu thường nhỏ và sinh sản chậm, không gây triệu chứng. Vì vậy nên cần tầm soát các polyp có tiềm năng ác tính trước khi chúng trở thành ung thư thật sự.
Phó giáo sư Nguyễn Tấn Cường, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Quốc tế City, cho biết nếu được phát hiện và phẫu thuật sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư đại trực tràng cao hơn nhiều so với ung thư dạ dày. Ung thư giai đoạn một, 93% bệnh nhân sống 5 năm. Ở nước ta phần nhiều bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, chỉ còn khoảng 8% sống đến 5 năm.
Theo phó giáo sư Cường, ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm triệu chứng rất im lìm.
Một số dấu hiệu có thể gặp là hay đau bụng ngấm ngầm, đầy bụng, thay đổi thói quen đi tiêu như tiêu chảy, táo bón, tiêu chảy xen lẫn táo bón. Phân nhỏ lại, phân dính máu, tiêu ra máu. Bệnh nhân thường mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu không lý do. Nếu sờ thấy u bụng mới đi khám, thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng
Phần lớn ung thư đại trực tràng được phát hiện ở bệnh nhân trên 50 tuổi. Tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, vì thế việc quan trọng là biết về bệnh sử gia đình và các yếu tố nguy cơ như:
- Chế độ ăn nhiều mỡ và thịt đỏ, hút thuốc lá, rượu, ít rau quả, trái cây. Chế độ khẩu phần ăn nhiều chất xơ có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
- Người thân bị ung thư đại trực tràng.
- Tiền sử từng ung thư đại trực tràng hoặc bệnh nhân đã bị ung thư các cơ quan khác như ung thư vú, cổ tử cung, nội mạc tử cung, đường tiết niệu đều có khả năng tăng nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng.
- Tiền sử có polyp đại trực tràng, bệnh viêm loét ruột, bệnh Crohn hoặc có tiền sử bệnh viêm đại tràng cũng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Rất nhiều nguyên nhân đi tiêu ra máu từ thực quản (xơ gan, dãn tĩnh mạch thực quản), dạ dày (viêm, loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày), ruột non (túi thừa, polyp), đại trực tràng (túi thừa, polyp, ung thư, trĩ).
Ở ung thư đại trực tràng, chảy máu có thể do phân cọ vào polyp, vào khối u, hoại tử u... Tìm máu ẩn trong phân là xét nghiệm giúp sàng lọc ung thư đại trực tràng với ưu điểm rẻ tiền, dễ thực hiện.
Dấu hiệu phát hiện bệnh sớm
Phòng ngừa sơ cấp: xác định các yếu tố nguy cơ và sửa đổi như thay đổi chế độ ăn uống, duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tránh các mối nguy hiểm môi trường, tránh hóa chất...
Phòng ngừa thứ cấp bằng cách tầm soát ung thư. Người 40-50 tuổi hàng năm nên xét nghiệm máu trong phân, nội soi đại tràng 10 năm một lần, nội soi đại tràng ảo 5 năm. Nhóm nguy cơ cao thời gian tầm soát rút ngắn lại còn mỗi 1-2 năm.
Cần đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường, không chủ quan.