Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Hải Dương, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy.
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, lây lan, bùng phát mạnh do virus Adeno gây ra (thường do type 8,19,37). Bệnh thường khởi phát đột ngột, rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ vẫn có thể tái nhiễm chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng của người bệnh.
Hiện, số ca đau mắt đỏ ở các bệnh viện tăng nhanh, nhiều người bị biến chứng nguy hiểm, chủ yếu ở nhóm sức khỏe yếu, người già, trẻ nhỏ.
Dấu hiệu:
+ Mắt đỏ, cộm chói, mi mắt bị sưng.
+ Chảy nước mắt, ra nhiều rỉ, kết mạc phù nề, có nhú, có giả mạc, thậm chí mờ mắt.
+ Mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch trước tai.
Phòng ngừa:
+ Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như: đồ ăn, uống, chậu, khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.
+Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn gỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để không lây nhiễm cho gia đình.
+ Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.
+ Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi.
+ Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt. Trẻ bị đau mắt đỏ nên nghỉ học để chăm sóc tại nhà.
+ Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.
Khi xuất hiện các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều gỉ cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn, điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.
Thùy An