Ignaz Philipp Semmelweis, bác sĩ nội trú khoa Sản tại Bệnh viện Đa khoa Vienna, Áo, ở thế kỷ 19, được mệnh danh là "vị cứu tinh của các sản phụ" vì đã lên tiếng kêu gọi các bác sĩ thực hành rửa tay để tránh lây vi khuẩn cho bệnh nhân. Cũng từ đó ông trở thành kẻ thù không đội trời chung của các bác sĩ thời bấy giờ. Tài liệu y khoa thế giới ghi nhận Semmelweis đã làm cho cả ngành y chao đảo sau khi phanh phui một sự thật phũ phàng nghiêm trọng về vấn đề "nhiễm khuẩn bệnh viện".
Trong bối cảnh những năm 1840, ở Áo có một số bệnh viện và trường kinh doanh thương mại dịch vụ chăm sóc y tế tổ chức mô hình khám chữa bệnh miễn phí để nhân viên có cơ hội thực hành lâm sàng trên người nghèo. Bệnh viện Vienna nơi bác sĩ Semmelweis đang công tác cũng mở 2 phòng khám theo mô hình này. Trong đó, một phòng dùng để đào tạo nữ hộ sinh, nơi đây có tỷ lệ sản phụ tử vong là 1/25. Còn phòng khác đào tạo sinh viên thực tập, tỷ lệ bệnh nhân tử vong là 1/10.
Sau vài tháng, có đến gần 1/3 phụ nữ sinh con tại các phòng khám trên đã chết. Nhận thấy tỷ lệ tử vong cao bất thường nên các bác sĩ rà soát nguyên nhân và ghi nhận: Trong thời kỳ hậu sản, các bà mẹ xấu số đều sốt cao rồi tử vong. Từ đó, cả hai mô hình phòng khám trên được mệnh danh là "Nhà chết".
Bác sĩ Semmelweis nhận ra có một điểm mâu thuẫn kỳ lạ: Sản phụ sinh con tại các phòng khám có tỷ lệ tử vong cao hơn cả những ca đẻ rơi ở ngoài đường. Quá chán nản vì không thể lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, ông quyết định rời khỏi Bệnh viện Vienna. Sau một thời gian, Semmelweis lại nhận được hung tin: Một bác sĩ bạn thân của ông bị đâm dao vào bụng do một sinh viên vụng về trong lúc khám nghiệm tử thi. Dù được cấp cứu kịp thời anh ấy cũng không qua khỏi. "Đêm ngày tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh của người bạn thân qua đời giống hệt hoàn cảnh của rất nhiều sản phụ xấu số", Semmelweis trăn trở.
Thời ấy, trước khi có công bố phát hiện về vi khuẩn của Louis Pasteur, các cơ sở y tế chưa hề biết đến khái niệm vi khuẩn. Semmelweis cũng vậy, thấy bạn mình cùng nhiều sinh viên y khoa và sản phụ chết trong hoàn cảnh tương tự nhau, ông chỉ đưa ra giả thiết rằng suốt quá trình khám nghiệm tử thi các bác sĩ và thực tập sinh đã tiếp xúc với các "yếu tố dạng hạt nhỏ" từ xác chết. Sau đó họ truyền các hạt này sang những sản phụ xấu số. Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng bởi lần đầu tiên trong lịch sử y tế có người đặt vấn đề về mối liên hệ giữa tử thi và nguy cơ nhiễm trùng.
Semmelweis quyết định hành động theo linh cảm. Ông xây dựng các chính sách phòng khám bắt buộc nhân viên y tế rửa tay bằng vôi clo trước khi tiếp xúc với bệnh nhân hay phẫu thuật, đỡ đẻ. Bác sĩ cho rằng các nhân viên thường xuyên tiếp xúc với tử thi mà chỉ rửa tay bằng xà phòng bình thường thì không đủ để loại bỏ tất cả các hạt từ tử thi. Điều này được chứng minh bởi mùi xác chết vẫn còn lưu trên tay. Semmelweis đã giới thiệu giải pháp vôi clo đến các bệnh viện giúp loại bỏ mùi tử thi và hy vọng cũng loại bỏ các "hạt" từ xác chết.
Trong 3 tháng đầu áp dụng phương pháp trên, tỷ lệ tử vong tại các phòng khám giảm mạnh từ 1/10 xuống 1/100. Semmelweis khẳng định có thể khắc phục hiện tượng sốt sau sinh bằng cách đặt chậu rửa tay tại mỗi giường sản phụ. Tuy nhiên lập luận này bị các cơ sở y tế bác bỏ. 10 năm sau lý thuyết vi trùng của Pasteur ra đời, nên tại thời điểm đó Semmelweis không có một cơ sở lý thuyết mạnh mẽ nào để giải thích. Do vậy hầu hết bác sĩ và phòng khám khác không đồng tình với phương án của ông.
Một bác sĩ Đan Mạch, Carl Edvard Marius Levy, đã có bài viết lên án đây là "cuộc tấn công cay độc" khi nói về những phát hiện được cho là ngớ ngẩn của Semmelweis. Levy hoài nghi số liệu thống kê có vấn đề và cho rằng có thể thành công của giả thuyết Semmelweis chỉ là sự biến động bình thường của tỷ lệ tử vong ở phòng khám thai sản. Vị này cũng phủ nhận khả năng những hạt quá nhỏ như vô hình lại gây ra cái chết, cụ thể là các hạt từ tử thi. "Với thói quen sạch sẽ của các sinh viên ở Bệnh viện Vienna thì không thể xảy ra hiện tượng lây nhiễm chất gì từ móng tay của họ mà giết chết bệnh nhân", ông lập luận.
Bác sĩ Levy còn chất vấn Semmelweis: "Tại sao không làm một thí nghiệm đơn giản bằng cách tách biệt hoàn toàn những người làm việc với các tử thi với hộ sinh mà phải đặt chậu nước ở mỗi đầu giường sản phụ để làm gì?"
Thực tế, Semmelweis cũng có mâu thuẫn trong mình lý luận của mình. Ông cho rằng chỉ có các hạt như xác chết gây ra cơn sốt nhưng không thể giải thích tại sao một số sản phụ bị sốt dù không tiếp xúc với người từng chạm vào tử thi. Các đồng nghiệp thì lên án giả thiết trên chẳng khác nào bản cáo trạng buộc tội các bác sĩ đã gây bệnh, là một điều sỉ nhục trong lịch sử nghề y.
Cuối cùng Semmelweis phải miễn cưỡng chấp nhận rằng lý thuyết của mình là một sự sỉ nhục về tình trạng vệ sinh cá nhân. Thay vì khởi động cuộc chiến với các đồng nghiệp, ông đã viết cho họ một thông điệp tồi tệ: "Tôi tuyên bố trước Chúa rằng các bạn là kẻ giết người. Thế giới ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của việc rửa tay. Đặc biệt trong y khoa, rất có thể mọi việc sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu bạn không rửa tay trước và sau khi khám các bệnh lý tình dục như giang mai, sùi mào gà...".
Đồng nghiệp phản đối Semmelweis dữ dội. Họ cùng ký giấy xác nhận ông bị điên. 3 bác sĩ khoa sản đã gửi Semmelweis đến một bệnh viện tâm thần. Năm 47 tuổi, ông đòi về thăm vợ con thì bị đánh rồi qua đời do nhiễm trùng. Ngày nay lịch sử y khoa thế giới ghi nhận Semmelweis là người có công lao rất lớn đối với ngành y. Một số trường y, bệnh viện, phòng khám sản phụ khoa và viện bảo tàng tự hào mang tên Semmelweis và xem ông là "vị cứu tinh của các sản phụ".
>> Xem thêm Lịch sử gần 200 năm thói quen thực hành rửa tay
Minh Đức - Thi Trân