Ước tính khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, đứng sau ung thư, bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.
Bác sĩ Trần Nhật Thăng, Phụ trách khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết 30% trường hợp vô sinh nguyên nhân từ người chồng, 30% do vợ, 30% từ cả hai và 10% không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân hay gặp ở nữ là do tắc hai vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung. Bệnh nhân không rụng trứng do bẩm sinh, tuổi cao, hậu quả của phẫu thuật hoặc điều trị hóa chất. Đời sống gặp áp lực, căng thẳng, bất thường đường sinh dục... gây rối loạn quá trình rụng trứng.
Nam giới vô sinh thường không có tinh trùng do suy tinh hoàn, xuất tinh ngược hoặc tắc nghẽn hệ thống dẫn tinh. Người có tinh trùng nhưng yếu, ít, bất thường do bẩm sinh về gene, hệ quả của bệnh quai bị, viêm tinh hoàn. Thói quen uống rượu hút thuốc, sử dụng ma túy cũng ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
Ngoài ra, môi trường độc hại, ô nhiễm cũng làm tăng tình trạng vô sinh hiếm muộn, đặc biệt ở vợ chồng trẻ. Nhiều người thiếu thông tin kiến thức về sức khỏe sinh sản nên chưa biết cách bảo vệ mình.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết điều trị hiếm muộn ở Việt Nam chủ yếu dựa vào nguyên nhân. Có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không rõ nguyên nhân hay những nguyên nhân không điều trị được. Do đó, hai phương pháp hỗ trợ sinh sản cho bệnh nhân là thụ tinh trong ống nghiệm và kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM cho biết các kỹ thuật chữa vô sinh của Việt Nam hầu như đã bắt kịp với thế giới. Sau hơn 20 năm thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, hiện cả nước có 24 trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm. Tỷ lệ thành công đạt từ 40 đến 60%, bằng với các nước trên thế giới.
"Khó khăn lớn nhất là vấn đề chi phí. Một bệnh nhân điều trị trung bình tốn khoảng 70 đến 80 triệu đồng. Chi phí thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực nhưng vẫn cao so với thu nhập của người dân", bác sĩ Tường nói.