Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 là đơn vị thuộc tầng 3 trong tháp Covid-19, có chức năng điều trị cho nhóm F0 nặng và nguy kịch trên địa bàn TP HCM. 5 ngày qua, lượng bệnh nhân tại đây liên tục tăng.
Theo Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân (Phó chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc trung tâm), trung bình trước 29/10, số F0 nhập viện là 20 ca. Từ 29/10 đến nay, bệnh nhân nhập viện tăng rõ rệt, lên trung bình 30 ca mỗi ngày. Đỉnh điểm là ngày 1/11, trung tâm tiếp nhận 36 ca - gần gấp đôi so với giai đoạn trước. Trong khi đó, số ca xuất viện mỗi ngày duy trì 25-30 ca. Vì vậy, hiện số F0 nhập viện đang có xu hướng cao hơn số xuất viện.
Lượng F0 này đến từ hai nguồn. Thứ nhất, là bệnh nhân cũ được chuyển đến từ các bệnh viện dã chiến đang giải thể (số 2, 5, 9), bệnh viện chuyển đổi công năng về ban đầu (không còn điều trị Covid-19 như Gò Vấp, quận 12, Hóc Môn, Hồng Đức); hoặc bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến dưới; chỉ khoảng 4-5 ca mỗi ngày. Nguồn thứ hai, chiếm đa số là F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, như các chùm ca gia đình, doanh nghiệp, công ty..., bác sĩ Ân nhận định.
Ghi nhận tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, bác sĩ Nguyễn Văn Quả (trưởng trạm y tế phường) cho biết, hai tuần nay, số F0 mới có sự chênh lệch. Như từ 18 đến 26/10, trung bình phát hiện 7-26 ca mắc mới mỗi ngày. Ngày 27/10, số F0 mới phát hiện chỉ còn 3, sau đó tăng nhẹ, lần lượt là 4, 6, 10 và 7 trong những ngày sau đó. Những bệnh nhân này được khám, phân loại nguy cơ, nếu có bệnh nền, yếu tố trở nặng hoặc không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được đưa đến các khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện Covid-19 còn hoạt động.
Tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 ngày 1/11, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhận định, số F0 nhập viện giảm mỗi ngày, nhưng vẫn cao hơn so với số ca xuất viện. Cụ thể, ngày 27/10 có 1.272 F0 nhập viện trong khi 869 người xuất viện; ngày 28/10 có 1.212 F0 nhập viện, 718 người xuất viện; ngày 29/10 có 982 F0 nhập viện, 846 người xuất viện; ngày 31/10 có 624 F0 nhập viện, 473 người xuất viện. Bà Mai cũng chỉ ra nguyên nhân tương tự như bác sĩ Ân.
Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, số F0 tăng nhẹ và nhập viện trong thời điểm này "phản ánh đúng thực tế" sau khi TP HCM tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 diện rộng và mở cửa trở lại. "Khi sống chung với Covid-19 thì con số F0 tăng hay nhập viện không phải là điều cần quan tâm, cái chính là tỷ lệ bệnh nặng thở máy", ông nói.
Thời gian gần đây, lượng F0 nhập viện tăng tại một số đơn vị, song có thể thấy hầu hết là bệnh nhẹ, chỉ cần theo dõi, không cần can thiệp thở máy hay thở oxy. Riêng về tình trạng số ca nhập viện cao hơn ca xuất viện, theo bác sĩ Khanh là do số bệnh nhẹ xuất viện nhiều, nên chỉ còn số bệnh nặng phải điều trị lâu hơn, dẫn đến chênh lệch tỷ lệ.
Tính đến 1/11, TP HCM đã ghi nhận 432.703 ca mắc Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. Hiện, 11.230 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện, trong đó 255 F0 nặng đang thở máy, 11 ca can thiệp ECMO.
Sau nhiều ngày quan sát tình hình thực tiễn, khi thành phố về bình thường mới, bác sĩ Ân cho rằng, có rất nhiều người dân chủ quan, lơ là khi tràn ra đường, tụ tập đông đúc ở địa điểm vui chơi mà không tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Đây chính là nguyên nhân khiến số người mắc Covid-19 mới vẫn cao. "Chúng ta đang sống chung với lũ, sểnh chân sẽ bị lũ cuốn ngay", ông Ân ví von.
Thêm nữa, với những trường hợp F0 trở nặng, có thể do vai trò của hệ thống y tế cơ sở khi chăm sóc, tư vấn cho F0 tại nhà chưa đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh có nguy cơ chưa được đưa đến bệnh viện sớm. Đồng thời, việc người bệnh tự sử dụng, lạm dụng các loại thuốc Corticoid (kháng viêm) khi điều trị Covid-19 tại nhà có thể dẫn đến tình trạng bùng phát cơn nhiễm khuẩn, nhiễm trùng song song với sự tấn công của Covid-19. Từ đó, người bệnh dễ nguy kịch, phải chuyển đến tuyến cao nhất để sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như lọc máu, thở máy, ECMO...
Tại một số bệnh viện tầng dưới khác, nhìn chung số F0 mới nhập viện không tăng, như Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (một trong hai bệnh viện chuyên khoa Nhi triển khai mô hình "bệnh viện tách đôi" điều trị song song cho bệnh nhi Covid-19 và các bệnh thông thường) và Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 3 (TP Thủ Đức - nơi thu dung bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ).
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) chia sẻ, đợt đỉnh dịch, khu điều trị Covid-19 có khoảng 500 ca, ngày 2/11 giảm còn 86 ca, gồm cả 7 trẻ mới nhập viện trong ngày. Trong đó, chủ yếu là trẻ dưới 12 tuổi. Các em chưa được tiêm vaccine và thường bị lây bệnh từ cha mẹ, người sống cùng nhà, vài trường hợp cá biệt là lây từ hàng xóm, người tới thăm. Đặc biệt, có những trường hợp trẻ đã khỏi Covid-19, được xuất viện, nhưng sau đó mắc hội chứng viêm đa hệ thống, liên quan đến Covid-19 nên phải tái nhập viện điều trị.
Vài tuần nay, hàng ngày bệnh viện tiếp nhận 5-10 ca từ bệnh viện tuyến dưới, hoặc ca cộng đồng mà quận, huyện gửi tới. Ngoài ra, có khoảng 10 ca phát hiện mới thông qua khám sàng lọc ở các phòng khám trong bệnh viện. Song trẻ thường có triệu chứng nhẹ nên được cách ly, điều trị tại nhà, theo dõi từ xa.
Tương tự, bác sĩ Trần Văn Khanh (Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3) thông tin, nhiều ngày qua, số ca nhập viện mới không tăng, duy trì 20-50 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân xuất viện ngày càng nhiều, có hôm chỉ 20 bệnh nhân nhập viện nhưng có đến 100 bệnh nhân xuất viện. Do đó, từ quy mô hơn 3.000 giường bệnh, đến nay chỉ còn khoảng 700 bệnh nhân đang điều trị tại đây.
"Hiện nay độ bao phủ vaccine đã rộng khắp, số ca mắc dần giảm. Hơn nữa người bệnh có triệu chứng tương đối nhẹ, hoặc không triệu chứng nên nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà", bác sĩ Khanh lý giải nguyên nhân bệnh viện dần vắng bệnh nhân.
Thư Anh - Lê Cầm