Khuya 24/8, nghe mẹ kêu tức ngực, khó thở, Duy Anh (ngụ phường 22, Bình Thạnh) vội gọi đến số điện thoại đường dây nóng của trạm y tế phường nhờ đưa đi cấp cứu. Nhà chỉ có hai mẹ con, từ mấy ngày trước họ đã ho, sốt, nghẹt mũi, mệt mỏi...
Duy Anh nôn nóng trước cửa nhà. Khoảng 10 phút sau, bác sĩ Lê Bá Thành (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) - Trưởng trạm y tế lưu động số 2, cùng hai đồng nghiệp trong đồ bảo hộ kín mít, xách theo bình oxy, hộp dụng cụ đến. Sau vài câu hỏi nhanh, các bác sĩ đo SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) cho người phụ nữ đang thở nặng nhọc. Chỉ số ở mức 93-95%, huyết áp và nhiệt độ vẫn ổn định nhưng các bác sĩ nhận thấy triệu chứng của Covid-19 khá rõ rệt. Duy Anh và mẹ được lấy mẫu test nhanh, kết quả dương tính.
Trước vẻ lo lắng của hai mẹ con, bác sĩ Thành trấn an, rằng đây là các triệu chứng thông thường, cần bình tĩnh để tuân thủ hướng dẫn điều trị, hạn chế tối đa nguy cơ diễn tiến nặng. Duy Anh cũng được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe cho 2 mẹ con, cách sử dụng thuốc khi sốt trên 38,5 độ C, uống thêm vitamin, tập các bài tập thở, cách nằm sấp, nằm nghiêng để tăng lưu lượng oxy... Chỉ số SpO2 lúc sau của người mẹ đã tăng lên 97-98%.
"Bác sĩ Thành để lại số điện thoại cá nhân, dặn liên hệ ngay khi mẹ con tôi có bất kỳ chuyển biến nào về sức khỏe. Tôi thực sự biết ơn, các bác sĩ đến ngay khi chúng tôi hoảng loạn và chông chênh nhất", Duy Anh nói.
Mẹ con anh là một trong hàng chục gia đình được Trạm y tế lưu động số 2 phát hiện dương tính khi test nhanh, sau 3 ngày trạm hoạt động. Họ sẽ được xét nghiệm khẳng định lại bằng RT-PCR và tuỳ theo mức độ bệnh để được chỉ định cách ly tại nhà hay tới bệnh viện Covid-19 điều trị. Ngoài ra, Trạm y tế lưu động số 2 và các trạm khác cũng đang quản lý, theo dõi hàng trăm F0 trên địa bàn được phân công.
Cách đó 9 km ở phường 6, quận Tân Bình, cả trăm bệnh nhân Covid-19 đang được Trạm y tế lưu động số 1 chăm sóc tại nhà. Anh Nguyễn Văn Sang (32 tuổi) kể, mấy hôm trước biết tin 2 người hàng xóm sát nhà mắc Covid-19, anh và vợ đang mang thai 5 tháng rất lo lắng. Mua test nhanh về thử, kết quả "hai vạch" khiến họ sốc, hoảng loạn. Ngày 23/8, vợ khó thở, anh gọi điện nhiều lần cho tổ dân phố không được đành "đánh liều" tìm số điện thoại của Chủ tịch phường 6 cầu cứu.
Gần 30 phút sau, xe cấp cứu đến đầu hẻm, 4 nhân viên y tế mang theo thuốc cấp cứu, bình oxy, máy đo SpO2, kit test nhanh vào kiểm tra cho thai phụ. Sau khi được chăm sóc y tế, các chỉ số sức khoẻ của chị dần ổn định. Vợ chồng anh Sang được test nhanh và lấy mẫu gửi đi làm RT-PCR, kết quả khẳng định dương tính. Vì thai phụ thuộc nhóm nguy cơ diễn tiến nặng, Trạm y tế lưu động đã đưa cả hai vợ chồng anh đi cách ly tập trung để tiện theo dõi sức khoẻ.
"Lúc đó nếu không có các y bác sĩ, vợ chồng tôi chẳng biết phải làm sao. Họ trò chuyện nhẹ nhàng, chăm sóc căn dặn tỷ mỷ nên chúng tôi an tâm hơn nhiều", anh Sang nói.
Tính đến 26/8, TP HCM có 401 Trạm y tế lưu động đã chính thức hoạt động (trong kế hoạch 413 trạm) khắp 22 quận huyện và TP Thủ Đức, với mục tiêu là đảm bảo cho người dân tiếp cận y tế sớm nhất, xử trí kịp thời các ca trở nặng. Các trạm do Tổ quân y cơ động (thuộc đoàn công tác gần 1.400 cán bộ, học viên Học viện Quân y chi viện thành phố) kết hợp với y tế địa phương, các tổ phản ứng nhanh. Họ có nhiệm vụ chăm sóc và điều trị 23.197 F0 cách ly tại nhà, tham gia tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine phòng Covid-19, giải đáp thắc mắc, vận chuyển bệnh nhân nặng...
Mỗi trạm sẽ lo cho 50-100 F0, có ít nhất một bác sĩ, 2-3 điều dưỡng, 3-4 nhân sự từ các đoàn, hội địa phương hoặc tình nguyện viên. Trạm được đặt linh hoạt tại chung cư, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường mầm non, trường tiểu học... nhằm phủ rộng khắp toàn phường, đảm bảo tiếp cận người bệnh cần hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, giai đoạn này TP HCM tổ chức xét nghiệm diện rộng truy vết F0, các trạm lưu động đang dồn sức để hướng dẫn người dân "vùng đỏ và cam" (nguy cơ cao) tự test nhanh, đồng thời đẩy nhanh tiêm chủng vaccine.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Nga (Phó giám đốc Bệnh viện quận 7) cho biết, từ ngày 24/8 quận có 25 Trạm y tế lưu động do các bác sĩ quân y phụ trách, đã giúp giảm tải cho lực lượng nhân viên tại chỗ rất nhiều. Quận 7 đang quản lý, theo dõi hơn 2.500 F0 điều trị tại nhà. Trước đây, các tổ y tế cộng đồng với hơn 100 nhân sự (nhân viên cơ hữu các trạm y tế phường, quận, y bác sĩ tình nguyện, nhân viên y tế hội chữ thập đỏ cùng sinh viên tình nguyện) luôn trong tình trạng quá tải, "chạy" hết công suất 24/24h để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ.
Hiện, 25 trạm này đã kết hợp cùng 6 trạm y tế lưu động của quận thành lập trước đó, chia ra để giám sát, hỗ trợ F0 tại từng khu phố, giúp theo dõi chăm sóc F0 và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, lấy mẫu tầm soát...
Tương tự, ông Đỗ Văn Hiến (Trưởng trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết, khi 3 trạm y tế lưu động được thành lập tại phường đã san sẻ rất nhiều các nhiệm vụ chống dịch, nhất là sắp tới lượng F0 sẽ tăng cao khi có kết quả xét nghiệm tầm soát cộng đồng. "Trạm y tế phường được chi viện lúc này thực sự rất quý. Nhiều bệnh nhân được y tế tiếp cận tại nhà hơn, chất lượng chăm sóc bệnh nhân bước đầu đã có tín hiệu tích cực", ông Hiến nói.
Theo đại tá Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng đoàn công tác Học viện Quân y tại TP HCM), sau hơn 3 ngày chi viện, toàn đoàn đã chăm sóc y tế cho hàng chục nghìn F0 đang cách ly, điều trị tại nhà cũng như xét nghiệm phát hiện hàng nghìn ca nhiễm mới tại thành phố. Tuy nhiên, con số cụ thể chưa được công bố.
Tại TP HCM, đoàn chia thành 451 tổ quân y cơ động, sau đó từng tổ nhận nhiệm vụ tại các địa phương, cùng thành lập hơn 400 trạm y tế lưu động. Tuỳ theo từng quận, huyện và mật độ F0 mà số lượng trạm lưu động khác nhau. Nhân sự các trạm này có thể được huy động từ nhiều nguồn, hoặc chỉ có lực lượng quân y. Theo điều hành của từng địa phương, trạm trưởng trạm lưu động có thể bác sĩ quân y, hoặc nhân viên y tế sở tại.
"Người dân, nhất là các F0 bày tỏ sự hoan nghênh và vui mừng khi được nhân viên y tế và quân y chăm sóc sức khoẻ tại nhà", đại tá Tuấn cho biết, song nhìn nhận lực lượng này đang gặp phó vì nhiều nơi có số F0 mới phát hiện trong cộng đồng quá đông nên trang thiết bị, đồ bảo hộ... cho quân y không đủ. "Chúng tôi đang nỗ lực, kỳ vọng các trạm lưu động sẽ góp phần giúp mọi người dân được tiếp cận với y tế, từ đó phát hiện sớm ca bệnh, giảm tỷ lệ trở nặng và tử vong, hướng tới dập dịch sớm", đại tá Tuấn nói.
TP HCM hiện ghi nhận 194.100 ca mắc Covid-19, đã xuất viện là 97.719 (cộng dồn từ 1/1 đến nay). Trong 37.993 bệnh nhân đang được điều trị có 2.321 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.697 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Việc điều trị cho F0 tại nhà là trụ cột đầu tiên trong chiến lược điều trị 2 trụ cột của TP HCM nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Thư Anh - Lê Cầm