Vợ chồng ông lão đều là F0, nhiều bệnh nền, vừa được xuất viện vài ngày trước. Trong căn nhà tại hẻm đường Phạm Đình Hổ (phường 1, quận 6) ông lão lừ đừ đầy vẻ mệt mỏi, SpO2 xuống dưới 80%. Bác sĩ Tân và điều dưỡng Đào Thị Kiều Vân (Trưởng Trạm y tế phường) cùng ê kíp Tổ quân y cơ động cho ông thở oxy, gọi xe cấp cứu đưa vào viện.
Điện thoại lại reo, anh Tân và mọi người tiếp tục ôm bình oxy đến căn nhà trên đường Bình Tây - nơi có 6 F0 cùng gia đình, trong đó người đàn ông 45 tuổi khó thở, SpO2 giảm còn 60%. Sau khoảng 20 phút được thở oxy với tốc độ 10 lít/phút, chỉ số SpO2 của ông lên hơn 90%, rồi dao động ở mức 92%. "Cảm ơn các bác sĩ, tôi khoẻ rồi. Chúng tôi cần gì đã có anh chị giúp nên đừng đưa tôi vào viện", ông ngước nhìn các nhân viên y tế, nói.
Sau khi hướng dẫn cả gia đình tập thở, kiểm tra lại các chỉ số sức khoẻ, anh Tân và ê kíp thở phào bởi tình trạng bệnh nhân có thể tiếp tục theo dõi tại nhà.
Ba thành viên Tổ quân y cơ động do bác sĩ Tân phụ trách, chi viện Trạm y tế lưu động của phường 1, quận 6 từ sáng 23/8, ngay sau khi từ Hà Nội đặt chân đến TP HCM. Họ là một trong số 451 tổ quân y cơ động, thuộc đoàn gần 1.400 cán bộ, học viên Học viện Quân y chi viện thành phố phòng chống dịch.
Các tổ quân y cơ động sẽ phối hợp phường, xã đến từng hộ xét nghiệm và chăm sóc, chữa trị cho người nhiễm Covid-19 đang cách ly, điều trị tại gia đình. Ngoài ra, họ tham gia tiêm vaccine, quản lý điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường, phối hợp chuyển tuyến bệnh nhân khi có yêu cầu và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác.
Điều dưỡng Vân cho biết, phường 1 có hơn 250 F0 đang điều trị tại nhà. Trước đây Trạm y tế phường có 6 thành viên nhưng 2 người đã trở thành F0, những người còn lại chạy cả ngày lẫn đêm vẫn không đáp ứng nhu cầu người bệnh. "Giờ có quân y hỗ trợ, lực lượng y tế phường vững tâm hơn rất nhiều. Hy vọng thành phố sớm khống chế được dịch", chị Vân nói.
Cách đó hơn 25 km, dưới cơn mưa nặng hạt, Tổ quân y cơ động do bác sĩ Đoàn Ngọc Hùng (Học viện Quân y) hỗ trợ Trạm y tế lưu động phường 11, quận Bình Thạnh, đến từng nhà hướng dẫn người dân tự lấy mẫu test nhanh Covid-19. Ngoài anh Hùng, tổ công tác có hai học viên năm thứ 5 của học viện, các lực lượng tình nguyện, tổ Covid cộng đồng của địa phương dẫn đường.
Đưa 3 bộ dụng cụ cho chủ hộ Trương Văn Tài (60 tuổi, ngụ hẻm 93 đường Nơ Trang Long), anh Hùng tỷ mỉ chỉ mọi người cách lấy que thử, đưa tăm bông vào mũi, đặt vào tuýp nhựa chứa dung dịch đệm... "Ngoáy mũi sao mà khi rút tăm bông ra, đầu bông phải có dịch mới tốt. Bác phải lắc vài lần rồi mới nhỏ dung dịch vào khay test. Gia đình cần ghi tên cẩn thận tránh nhầm lẫn. 15 phút nữa chúng tôi quay lại lấy kết quả", bác sĩ Hùng vừa lưu ý vừa sát khuẩn tay, nhanh chóng cùng đội mình sang nhà bên cạnh.
Trong hơn chục hộ, một bà lão gần 80 tuổi có kết quả test nhanh nghi nhiễm. Ê kíp đỡ cụ vào nhà, trấn an gia đình. "Chúng tôi sẽ ghi lại thông tin sau đó xét nghiệm PCR sớm nhất để có thể để đánh giá tình trạng bệnh, hỗ trợ điều trị và tiến hành khoanh vùng", ông nói.
Tổ quân y cơ động do bác sĩ Hùng phụ trách, chi viện trạm y tế lưu động, đặt tại ngôi chùa thuộc phường 11, quận Bình Thạnh. Phường có 321 F0 điều trị tại nhà - nhiều thứ 3 toàn quận. Ngoài nhóm bác sĩ Hùng, địa phương còn 2 tổ quân y khác gồm 6 bác sĩ và học viên, phối hợp lực lượng địa phương thiết lập 4 trạm y tế lưu động. "Chúng tôi phải tranh thủ tối đa thời gian để sớm phát hiện F0 trong cộng đồng, điều trị. Ai cũng cố nỗ lực hết mình với tinh thần cao nhất của người lính, mong bảo đảm sức khoẻ cho bà con", anh Hùng chia sẻ.
Phụ trách Tổ quân ly lưu động đặt tại ngôi trường trung học cùng phường, bác sĩ Đoàn Xuân Dũng không giấu xúc động khi thấy đường phố Sài Gòn vắng lặng, khác hẳn hình ảnh sầm uất, náo nhiệt mà anh chứng kiến trong lần công tác trước. "Chỉ khi nào TP HCM hết dịch mới trở về, chúng tôi quyết tâm vậy rồi. Bà con còn cần, anh em sẵn sàng ở lại", bác sĩ Dũng nói.
Học năm thứ 5 Học viện Quân y, tình nguyện viên Nguyễn Minh Hiếu được phân công cùng tổ anh Hùng, cho biết: "107 người trong lớp tôi đều tham gia, chỉ một bạn bị gãy chân không đi được, bạn ấy rất buồn".
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Chủ tịch UBND phường 11, Trạm y tế phường gồm 6 nhân viên, thời gian qua gồng gánh công việc chăm sóc sức khỏe hơn 28.000 dân trên địa bàn. Từ khi dịch bùng phát, phường ghi nhận hơn 720 F0. Suốt ba tháng qua, nhiều nhân viên y tế chưa được về nhà, có người ngất xỉu vì kiệt sức.
Hiện, lực lượng quân y hỗ trợ phường xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm F0, đưa phiếu hẹn người dân đến tiêm vaccine, chăm sóc, cấp cứu F0 tại nhà. Với những người test nhanh dương tính, tổ công tác sẽ phát túi thuốc, hướng dẫn theo dõi tại nhà và lập tức đưa vào bệnh viện khi cần.
Do tính chất đặc thù, cần vào sâu những hẻm nhỏ để tiếp cận người dân nhanh hơn, các tổ sẽ di chuyển bằng xe máy. Ngoài ra, phường có một tổ phản ứng nhanh được trang bị xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện như bình oxy, cáng cứu thương... Khi nhân viên trạm y tế báo động cần đưa người dân đi cấp cứu thì tổ phản ứng nhanh sẽ đến.
Tính đến sáng 24/8, TP HCM ghi nhận tổng cộng 180.245 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 91.218 người đã xuất viện. Thành phố đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà hơn 40.000 F0; bao gồm 19.243 trường hợp cách ly tại nhà ngay từ đầu và 21.208 F0 sau xuất viện. Họ là những người không có bệnh nền, không triệu chứng hoặc có nồng độ virus (CT value) trên 30 sau 7 ngày điều trị ở viện.
Những ngày tới dự báo số F0 sẽ tăng do TP HCM lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân. Việc điều trị cho F0 tại nhà là trụ cột đầu tiên trong chiến lược điều trị 2 trụ cột nên thành phố đang đẩy nhanh thiết lập 400 trạm y tế lưu động nhằm quản lý, chăm sóc bệnh nhân cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận y tế.
Từ ngày 21/8, Học viện Quân y tăng cường 1.100 nhân lực bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, học viên sau đại học các chuyên ngành, học viên dài hạn từ năm thứ 3 đến năm thứ 6... vào hỗ trợ chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đoàn công tác sẽ triển khai thành 451 Tổ quân y cơ động thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Bộ Quốc phòng tại phía Nam. Nhiệm vụ của họ là lấy mẫu xét nghiệm; tiêm vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình...
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, quân đội sẽ sử dụng tất cả lực lượng hiện có, kể cả không quân, vận tải bộ, vận tải thủy để hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, bảo đảm cách ly an toàn để phòng chống Covid-19.