Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết bé trai ngụ ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum chuyển đến lúc 3h sáng 13/9. Lúc này, bé đã mắc bạch hầu ngày thứ 7, biến chứng tim gây rối loạn nhịp tim, suy tim, men tim cao. Các bác sĩ nhanh chóng đặt máy tạo nhịp tim, hồi sức tim mạch, bệnh nhân không đáp ứng điều trị. Bé tử vong chiều cùng ngày, sau 11 giờ nhập viện.
Đây là ca bạch hầu thứ tư tử vong từ đầu năm đến nay. Ba ca bạch hầu tử vong trước đó đều là trẻ em, tuổi từ 4 đến 13, sinh sống các tỉnh Tây Nguyên.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, hiện bệnh viện còn điều trị hai ca bạch hầu khác. Các bệnh nhân đều đến từ Tây Nguyên, thời gian điều trị đã kéo dài hơn một tháng, sức khỏe đến nay ổn định.
Tám tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 200 ca bạch hầu, chủ yếu tập trung các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Trị.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có khả năng miễn dịch thấp. Bệnh hiện đã có vaccine phòng ngừa, nhưng vẫn có thể xảy ra ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Triệu chứng bệnh chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Một số biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành... Bệnh tiến triển nặng có thể xuất hiện các biến chứng như khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp.
Ngoài ra, các độc tố bạch hầu ngấm vào máu sẽ gây tình trạng nhiễm độc toàn thân, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác, gây viêm cơ tim hoặc loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong.
Thư Anh