Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết em bị biến chứng bạch hầu tổn thương tim và suy tim rất nặng, cơ tim bị phá hủy, rối loạn nhịp tăng dần, dẫn đến suy giảm chức năng co bóp, khiến tim ngừng đập.
A Phủ, dân tộc H'Mông, ngụ xã Đăk R’Măng, huyện Đăk Glong, sốt, ho, họng có giả mạc, chẩn đoán mắc bạch hầu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Ngày 26/6, bệnh nhi được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM trong tình trạng nguy kịch. Lúc này, bệnh đã biến chứng gây viêm cơ tim, suy hô hấp, biến chứng loạn nhịp tim nghiêm trọng. Các bác sĩ đã đặt máy tạo nhịp tim, áp dụng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim nhưng không hiệu quả. Trong 7 ngày điều trị, bệnh nhân liên tục chuyển biến xấu, không thể qua khỏi.
Trước đó, hàng xóm của A Phủ, bé gái 9 tuổi, cũng người H'Mông, mắc bạch hầu ác tính, được Bệnh viện Đa khoa Đăk Nông chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tử vong do biến chứng tim, thận nặng.
Đăk Nông từ tháng 6 đến nay ghi nhận 15 ca bạch hầu, nhiều nhất cả nước, trong đó hai trường hợp tử vong do bệnh biến chứng tim. Kon Tum ghi nhận 3 ca đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô và Sa Thầy. TP HCM một ca, đã âm tính và xuất viện. Hầu hết người bệnh là trẻ trên 10 tuổi và người lớn.
Hàng trăm người ở khu vực có dịch bạch hầu được cách ly, tiêm vaccine phòng bệnh.
Thư Anh