Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đã tổ chức họp khẩn trước giờ đội phản ứng nhanh lên đường để phân công nhiệm vụ. 13 thành viên đến từ nhiều khoa, phòng như Hồi sức cấp cứu, Cấp cứu, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh nhiệt đới, Thận nhân tạo, Sinh hóa, Vi sinh..., do bác sĩ Trần Thanh Linh làm trưởng đoàn. Từ đầu dịch đến nay, các y bác sĩ Chợ Rẫy thường xuyên chi viện cho các điểm nóng như Hải Dương, Gia Lai, Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Ninh...
Lần này đội phản ứng nhanh của Chợ Rẫy có nhiệm vụ hỗ trợ chính quyền, Bộ Chỉ huy biên phòng và Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Kiên Giang khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp hai bệnh viện dã chiến ở TP Hà Tiên (quy mô khoảng 300-500 giường) và TP Rạch Giá (có thể trên 500 giường).
Theo bác sĩ Linh, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên, đoàn sẽ phối hợp xây dựng một đơn vị hồi sức tích cực (ICU), có sức chứa lên đến 50 người, đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng, bao gồm cả hệ máy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, chạy thận nhân tạo. Bệnh viện này được xác định là đơn vị tuyến đầu tại địa phương trong tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, từng chi viện Gia Lai hồi tháng 2/2021, Đà Nẵng trong đợt bùng dịch cuối tháng 7/2020. Anh cũng là một trong những người đóng góp lớn vào quá trình điều trị thành công bệnh nhân phi công người Anh hồi giữa năm ngoái.
Các lần trước, đoàn phản ứng nhanh Chợ Rẫy lên đường chi viện khi dịch đã bùng phát. Lần này, đoàn chủ động chi viện trước, các y bác sĩ "có thời gian xây dựng hệ thống hồi sức cấp cứu cũng như bệnh viện dã chiến, có kế hoạch chuẩn bị kỹ nếu tiếp nhận bệnh nhân nặng", theo bác sĩ Linh.
Khó khăn lần này là cơ sở mặt bằng tại TP Hà Tiên chưa có sẵn, khi xây dựng bệnh viện dã chiến phải làm rất nhiều thứ, lên từng kế hoạch chi tiết về trang bị, máy móc, nhân sự, thuốc men...
"Ba mục tiêu lần này rất lớn, các y bác sĩ vẫn chưa xác định ngày nào quay trở về, chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt", bác sĩ Linh nói.
Lần đầu tham gia đội phản ứng nhanh chi viện các tỉnh, bác sĩ Nguyễn Quí Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết "cảm thấy hồi hộp lẫn vui sướng khi nhận nhiệm vụ quan trọng". "Đây là cơ hội để học hỏi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy thêm kinh nghiệm triển khai chống dịch, để có thể giúp đỡ các địa phương khác về sau khi cần", bác sĩ Hưng nói.
Ngày 18/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo Viện Pasteur TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy thị sát công tác chống dịch tại tỉnh Kiên Giang, kiểm tra hoạt động quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vaccine Covid-19.
Bộ trưởng Y tế nhận định Kiên Giang là địa phương có "đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ" với hơn 56 km đường biên giới chung Campuchia trên đường bộ lẫn trên biển, cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, đặc biệt là khu vực biên giới tại thị xã Hà Tiên là rất lớn.
Bộ Y tế giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng địa phương xây dựng các phương án thành lập các khu vực điều trị có thể tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân nặng đến rất nặng. Chợ Rẫy cũng tập huấn, hướng dẫn để ngành y tế địa phương có thể làm chủ các kỹ thuật khó trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, kỹ thuật ECMO để thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ".
Bộ trưởng Y tế cũng giao Viện Pasteur TP HCM làm việc với địa phương để hỗ trợ thiết lập các labo xét nghiệm đủ tiêu chuẩn tại Hà Tiên và Bệnh viện đa khoa tỉnh, nâng cao năng suất và năng lực xét nghiệm tại chỗ cho TP Hà Tiên cũng như tỉnh Kiên Giang.
Từ ngày 20/2 đến nay khoảng 1.300 người nhập cảnh qua cửa khẩu Hà Tiên, phát hiện 31 vụ nhập cảnh trái phép. Số cách ly tập trung trên địa bản tỉnh là 303 người. Tính từ đầu dịch đến nay tỉnh đã xét nghiệm trên 14.000 mẫu, phát hiện 38 ca dương tính, trong đó 36 người nhập cảnh qua cửa khẩu Hà Tiên. Hiện 17 người đã được điều trị khỏi, 3 trường hợp đủ điều kiện xuất viện đang được cách ly tập trung, 18 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế Hà Tiên.
Campuchia đang trong đợt bùng phát mạnh mẽ Covid-19. Trong năm 2020, nước này ghi nhận hơn 400 ca nhiễm, song từ đầu năm đến nay gần 6.000 ca, 43 người tử vong. Số ca tăng đột biến từ cuối tháng 2 đến nay. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thủ đô Phnom Penh và thị xã Takhmao lân cận bị phong tỏa.