Các phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được chia thành hai nhóm: Bảo tồn (điều trị nội khoa) và can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật).
Điều trị bảo tồn
Khi bệnh nhân chưa có dấu hiệu thương tổn thần kinh trong bệnh lý rễ hoặc chưa có biểu hiện bệnh lý tủy, bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn bao gồm dùng thuốc và tập vật lý trị liệu. Các loại thuốc kháng viêm, giãn cơ và giảm đau thường được lựa chọn.
Kéo cột sống cổ là một phương pháp khá hiệu quả nhưng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì. Phương pháp xoa nắn (chiropractic) do các chuyên gia vật lý trị liệu thực hiện cùng với các bài tập cũng mang lại kết quả khả quan. Các phương pháp đặc hiệu khác được thực hiện tại phòng tập như sóng ngắn, siêu âm, laser ngoài da, kích thích điện… cho hiệu quả rất tốt.
Tiêm thấm vùng cổ thường được áp dụng khi bệnh nhân bị đau mà không có thương tổn thần kinh. Chú ý: Tại vùng cổ có nhiều các cấu trúc quan trọng nên đòi hỏi kỹ thuật viên phải thật cẩn trọng, khéo léo, chỉ cần một chút sai sót có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Một biện pháp điều trị bảo tồn khác là giảm áp đĩa đệm bằng laser qua da (PLDD) hoặc sóng radio cao tần. Các phương pháp này được chứng minh mang lại một số hiệu quả nhất định, tuy nhiên thường được chỉ định cho các trường hợp còn bảo tồn được. Đối với các trường hợp có chỉ định mổ, đặc biệt khi khối thoát vị đã xé rách dây chằng dọc sau, không được phép áp dụng các phương pháp này vì có thể gây ra các biến chứng rất nặng nề.
Bác sĩ lưu ý: Các phương pháp tiêm thấm, phong bế và giảm áp đĩa đệm chỉ dùng để giảm đau và được coi là một biện pháp điều trị bảo tồn, dùng để giảm đau, không triệt để.
Can thiệp ngoại khoa
Khi người bệnh đã có thương tổn thần kinh biểu hiện bằng yếu cơ, teo cơ, giảm hoặc mất cảm giác, có thương tổn thần kinh biểu hiện trên điện cơ hoặc điện thế gợi, có biểu hiện của bệnh lý tủy thì nên xem xét việc phẫu thuật.
Chỉ định mổ vì đau thường do người bệnh quyết định. Khi đó cảm giác đau làm giảm hoặc mất khả năng làm việc, sinh hoạt, ảnh hưởng nhiều đền cuộc sống của người bệnh hoặc bệnh nhân đau nhiều mà không điều trị được bằng các phương pháp giảm đau không mổ khác. Phẫu thuật còn được chỉ định trong trường hợp hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy có thương tổn tủy và phù tủy, đặc biệt khi có phù tủy tiến triển dù lâm sàng chưa có những dấu hiệu quan trọng. Nếu bác sĩ nghi ngờ hiện tượng đó nhiều khả năng do khối thoát vị đĩa đệm gây ra thì chỉ định mổ sớm.
Các phương pháp phẫu thuật
Bác sĩ có thể mổ lấy đĩa đệm thông qua một cây kim xuyên da được kiểm soát dưới màn hình máy chiếu X-quang gọi là PCD (Percutaneous Cervical Discectomy). Đây là phương pháp “mù” do bác sĩ không thể theo dõi trực tiếp mà chỉ phán đoán dựa trên hình ảnh chiếu X-quang, do đó phẫu thuật không triệt để. Ngày nay hầu như còn rất ít nơi áp dụng cách này.
Các phương pháp phẫu thuật nội soi dành cho thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cho kết quả khá hơn nhưng chưa đạt được sự hoàn hảo như mong đợi. Nội soi có thể giúp lấy hết khối thoát vị đĩa đệm, giải ép cho tủy và rễ thần kinh nhưng không xử lý được vùng mổ sau đó. Hiện nay có một số nghiên cứu tập trung tìm giải pháp kỹ thuật để đưa nội soi trở thành biện pháp điều trị hiệu quả cho thoát vị đĩa đệm cột sống cổ tương tự như với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Vi phẫu thuật là biện pháp triệt để và hiệu quả nhất trong mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Đây được coi là tiêu chuẩn vàng cho phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Mổ ACDF (Anterior Cervical Discectomy & Fusion, tức là mổ lấy đĩa đệm, ghép xương cột sống cổ lối trước) là một kỹ thuật kinh điển trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Tuy nhiên phương pháp này tồn tại một số khiếm khuyết như hạn chế vận động cổ sau mổ, gia tăng khả năng xuất hiện các thoát vị ở những đĩa đệm cạnh chỗ mổ...
Thay đĩa đệm có khớp TDR (Total Disc Replacement) là kỹ thuật tương đối đơn giản nhưng mang lại rất nhiều lợi ích. Giá thành áp dụng kỹ thuật này rất cao do phần lớn chi phí để thay đĩa đệm động toàn phần. Đây thực sự là trở ngại lớn đối với bệnh nhân nghèo. Cũng có một số trường hợp chống chỉ định áp dụng.
Trước đây nhiều bác sĩ mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng đường mổ lối sau giống như ở thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tuy nhiên do đặc thù cấu trúc tủy sống ở cổ, phẫu thuật đường này rất dễ gây ra những biến chứng nghiêm trọng nên hầu hết không còn áp dụng. Chỉ những trường hợp thoát vị đĩa đệm cổ sang bên và ra ngoài lỗ liên hợp mới được các bác sĩ chỉ định mổ đường này.
Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống, bác sĩ Sơn khuyên mọi người nên duy nhịp độ tập luyện thể thao đều đặn, sống trong một môi trường trong sạch, thường xuyên vận động. Tránh ngồi lâu một chỗ, đừng để cơ thể béo phì.
Tấn Kính