"Tổng thể chung lượng oxy y tế vẫn đảm bảo, nhưng ở từng nơi, từng chỗ cần phải tăng điều phối, có phương án oxy và cơ sở hạ tầng. Một số địa phương có nguy cơ thiếu oxy", Bộ trưởng Long nói trong Hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố, sáng 16/7.
Ông Long không cho biết rõ lượng oxy y tế hiện có và cơ số dự trữ là bao nhiêu.
Bộ trưởng đề nghị tất cả địa phương, bệnh viện hạng 2, hạng 3 phải có hệ thống oxy, để phục vụ điều trị bệnh nhân thở mask, thở oxy dòng cao (HFNC).
Khoảng 80% bệnh nhân đợt dịch này không có triệu chứng, 10-20% từ trung bình diễn biến nặng. Cục trưởng Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khuyến cáo các bệnh viện chú ý đến các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến lượng oxy, máy thở... hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong.
Theo ông Khuê, tất cả khu vực đều cần chuẩn bị oxy, kể cả những nơi điều trị bệnh nhân nhẹ, để đề phòng đổi trạng thái sang nặng. Bệnh nhân có bệnh nền, thầy thuốc phải theo dõi chặt vì dễ chuyển sang giai đoạn nặng. Nếu bệnh nhân có biểu hiện nặng phải cho dùng thuốc và các máy móc hỗ trợ thở nồng độ oxy cao... ngay để không chuyển nặng.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá "vẫn trong tầm kiểm soát điều trị các bệnh nhân Covid-19". Tuy nhiên, qua theo dõi tại một số tỉnh thành, tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng lên, "dường như trở thành gánh nặng y tế rất lớn cho TP HCM và một số tỉnh thành như Đồng Tháp". Tỷ lệ bệnh nhân nặng phải hỗ trợ oxy, thở máy chức năng cao, ECMO... ngày càng tăng cao. Số lượng máy thở của một số địa phương vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y tế.
Tỷ lệ tử vong cả nước là 0,43%, riêng tại TP HCM tỷ lệ tử vong hơn 0,6%, tại Đồng Tháp tỷ lệ này cao hơn nữa.
"Điều này chứng tỏ tỷ lệ tử vong ở Việt Nam đang tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới. Do đó, để hạn chế tử vong, phải hết sức lưu ý trong tình trạng bệnh nhân trở nặng, bắt buộc sử dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Long yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị tình huống kịch bản xấu. Những nơi không có dịch phải chuẩn bị ngay kịch bản chống dịch. Địa phương đang có dịch phải chuẩn bị kịch bản cao hơn một mức để không bối rối, hoang mang nếu tình huống xấu xảy ra.
Năng lực xét nghiệm và cách ly là hai vấn đề Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng nâng công suất. Khu cách ly tập trung phải giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo "vì chủng virus lần này nguy cơ lây nhiễm rất cao".
Về máy móc, trang thiết bị, Bộ trưởng nhấn mạnh vẫn theo quan điểm "4 tại chỗ", các địa phương cần chuẩn bị tất cả các máy móc cơ bản nhất. Bộ Y tế đã cấp máy thở cho các địa phương, yêu cầu tăng cường tập huấn sử dụng. Nơi nào chưa cần dùng thì thu hồi, chuyển đến nơi đang cần.
Riêng với nhu cầu về máy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), chỉ những trung tâm hồi sức tích cực (ICU) mới cần trang bị, không phải nơi nào cũng dùng được.
Đến nay, Bộ Y tế đã có những thay đổi về chiến lược điều trị, trong đó thiết lập phân tầng điều trị theo tình trạng bệnh nhân. Tầng 1, dành điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng, điều trị ngay tại cơ sở thu dung để tránh lãnh phí nhân lực và trang thiết bị, cơ sở điều trị. Tầng 2, bệnh nhân có triệu chứng chuyển đến điều trị tại các cơ sở y tế. Tầng 3, bệnh nhân nặng, rất nặng chuyển đến điều trị tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện dã chiến.
"Khuyến nghị các địa phương thiết lập khu vực điều trị tích cực ngay tại các bệnh viện dã chiến để có thể nâng cao năng lực điều trị khi cần và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh ca nhiễm tăng nhanh, Bộ Y tế cũng rút ngắn thời gian điều trị bệnh nhân không triệu chứng có 2 lần âm tính hoặc tải lượng virus thấp, giúp giảm tải cho các cơ sở y tế. Do đó trong thời gian tới, số bệnh nhân tại các bệnh viện sẽ giảm, chỉ tập trung điều trị bệnh nhân nặng, có nguy cơ tiến triển nặng. Tuy nhiên, bệnh nhân không triệu chứng vẫn phải được theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.