Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch
Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.
Chào bác sĩ.
Mẹ tôi năm nay 62 tuổi. Tiền sử huyết áp cao, đã đi khám và dùng thuốc hằng ngày được khoảng 10 năm nay. Vậy mẹ tôi có tiêm được vắc xin Covid-19 không, rủi ro có không? Cần lưu ý gì trước trong và sau tiêm không ạ?
Xin cám ơn bác sĩ!
Chào bạn,
Cảm ơn bạn về câu hỏi rất thực tế trong tình hình hiện nay. Đây cũng là câu hỏi phổ biến nhất mà các bác sĩ tim mạch chúng tôi nhận được trong suốt giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua. Mẹ bạn đã 62 tuổi và có tiền sử tăng huyết áp, trường hợp của bác có thể được xếp vào nhóm người cao tuổi có bệnh lý mạn tính, là nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc Covid-19.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế về việc tiêm phòng vaccine Covid-19, trường hợp có các bệnh lý mạn tính đang điều trị ổn định thì có thể tiêm vaccine được, các rủi ro và tỷ lệ biến chứng không có khác biệt nhiều với những nhóm đối tượng khác. Khi đi tiêm chủng, bác vẫn duy trì việc dùng thuốc huyết áp như bình thường, nên mang theo sổ theo dõi khám bệnh, cung cấp các thông tin về bệnh, để bác sĩ tư vấn tiêm chủng biết được tình trạng bệnh cũng như các thuốc đang dùng, từ đó có những lưu ý nhất định trước, trong và sau quá trình tiêm vaccine. Sau khi tiêm chủng bác tiếp tục duy trì thuốc như bình thường và theo dõi các triệu chứng, dấu hiệu sau tiêm như tư vấn dặn dò của bác sĩ tiêm chủng.
Hiện nay, tại các đơn vị triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 đều có bác sĩ khám sàng lọc cẩn thận và các phương tiện cấp cứu ban đầu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nên bác cứ yên tâm đi tiêm theo đơn vị đã đăng ký. Chúc bác mạnh khỏe và an toàn trong mùa dịch!
Thưa bác sĩ,
Tôi đau khớp các ngón hai bàn tay, không thể co duỗi, các ngón khi co bị cứng không mở ra được. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tình trạng của tôi có liên quan đến tim mạch hoặc Gout không, hay chỉ bị cơ xương khớp? Cám ơn bác sĩ!
Chào bạn,
Tình trạng đau khớp bàn tay và cứng khớp của bạn có thể gặp trong hai bệnh lý phổ biến nhất là thoái hóa khớp bàn tay và viêm khớp dạng thấp.
Đối với viêm khớp dạng thấp, đây là bệnh lý thường gặp ở nữ giới, tuổi trung niên. Bệnh biểu hiện bằng sưng đau các khớp nhỏ ngoại vi, đối xứng, thường là các khớp bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, gối... Bệnh nhân thường xuất hiện tình trạng cứng khớp, khó cử động co duỗi khớp bàn ngón tay vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy, tình trạng cứng khớp thường kéo dài trên 30 phút mới cải thiện. Để chẩn đóa xác định, bệnh nhân sẽ được chụp X-quang xương bàn ngón tay, siêu âm khớp, xét nghiệm yếu tố viêm (máu lắng, CRP), các yếu tố thấp (RF, antiCCP)...
Cũng giống như viêm khớp dạng thấp, tình trạng thoái hóa đa khớp thường gặp ở bệnh nhân nữ trung niên hoặc lớn tuổi. Tuy nhiên, tình trạng đau khớp không kèm với biểu hiện sưng đỏ, đồng thời tình trạng cứng khớp khó cử động cũng ngắn hơn, dưới 30 phút.
Đối với tình trạng hiện tại của bạn, bạn cần đến thăm khám trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa và làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.
Để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ hotline 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP.HCM) để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Thưa bác sĩ, tôi năm nay 41 tuổi bị đau lưng, vai gáy đã mấy năm. Tôi có đi khám ở bệnh viện và được chẩn đoán là thoái hoá cột sống. Bác sĩ có kê thuốc cho uống mấy lần nhưng bệnh không thấy thuyên giảm. Biểu hiện đau ngày càng tăng lên. Nhờ các bác sĩ tư vấn và cho tôi lời khuyên, có thể chữa trị khỏi được bệnh này hay không? Phương pháp điều trị và chi phí cụ thể? Xin chân thành cảm ơn!
Chào bạn,
Với tình trạng đau do thoái hóa cột sống cổ kéo dài hơn 6 tuần, bạn nên chụp MRI cột sống cổ kết hợp khám lâm sàng để khảo sát kỹ nguyên nhân và giúp chẩn đoán chính xác. Khi đau cột sống kéo dài, bạn cần nghĩ đến các nguyên nhân khác ngoài thoái hóa cột sống cổ thông thường, như viêm thân sống đĩa đệm hoặc lao cột sống cũng như các tổn thương ác tính khác...
Việc điều trị khỏi hay không, khỏi ở mức độ nào tùy thuộc vào tình trạng bệnh và thời điểm người bệnh được điều trị. Vì thế, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa càng sớm càng tốt để được kiểm tra và tư vấn cho tiết hơn nhé. Thân mến!
Xin chào bác sỹ. Năm nay tôi 53 tuổi. Sáng ra nhổ nước miếng có màu vàng như mủ. Tôi bị viêm họng mãn tính, răng thì đã chụp mũ 5 cái. Thường buổi sáng tôi có đờm trong cổ, hay bị khan tiếng, muốn nói rõ phải tằng hắng. Đến chiều mới đỡ. Xin các bác sỹ tư vấn giúp tôi. Cảm ơn các bác sỹ!
Chào bạn, bạn có triệu chứng vướng đàm, đàm mủ vàng, tằng hắng và khàn tiếng, có thể bạn bị viêm họng và lan xuống viêm thanh quản. Bạn không mô tả triệu chứng của bạn bị bao lâu, nếu tình trạng khàn tiếng và khạc đàm mủ vàng vẫn kéo dài thì bạn đang bị tình trạng nhiễm trùng. Bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ nội soi kiểm tra họng thanh quản giúp chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị hiệu quả cho bạn nhé!
Mấy hôm nay em hay đau phần bụng dưới gần bẹn, hôm nay em thấy đau nhiều hơn, mỗi lần đau lại phải đi vệ sinh. Thỉnh thoảng lại muốn ói, ăn vô lại đi vệ sinh, ngồi cũng muốn đi vệ sinh. Bác sĩ vui lòng cho em hỏi là em bị bệnh gì ạ?
Em năm nay 46 tuổi. Em mới chích vaccine mũi 2 hôm 02/10. Lâu nay em bị thoái hóa đốt sống lưng hay thường xuyên đau, nhất là khi cúi xuống. Em không có thêm bệnh gì khác. Xin bác sĩ giúp em. Em cám ơn nhiều ạ!
Chào bạn,
Bạn 46 tuổi, có đau bụng, buồn nôn, rối loạn đi cầu, khả năng bạn có vấn đề của bệnh lý đường tiêu hóa dưới. Tình hình đau tăng lên nên bạn cần phải đi khám càng sớm càng tốt nhé.
Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ tổng đài Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM) để đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ Trung tâm Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa của bệnh viện.
Chúc bạn mau khỏe!
Bác sĩ cho em hỏi, em có tiền sử dị ứng hải sản, và lúc sinh mổ em bị sốc phản vệ thuốc gây tê đến mức em sùi bọt mép và ói ngay trên bàn mổ. Sinh xong em lại bị dị ứng toàn thân 7 tháng liên tục mới hết. Vậy em tiêm vacxin có rủi ro gì không ạ? Và em có nên tiêm hay không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em, em cảm ơn nhiều ạ!
Chị Kiều thân mến,
Chị có cơ địa dị ứng, tiền sử bị dị ứng với thức ăn (hải sản), thuốc (thuốc tê) và một số tác nhân khác chưa rõ. Như vậy, bác sĩ không thể trả lời chính xác có rủi ro gì khi tiêm vaccine không do phản ứng của mỗi người khác nhau, đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng. Vaccine trong lúc đại dịch này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mọi người, tuy nhiên chị cân nhắc và quyết định chích hay không là tùy thuộc chị. Nếu chị muốn tiêm vaccine Covid-19, chị nên đến bệnh viện lớn để tiêm và theo dõi sát sau tiêm, nếu có xảy ra phản ứng phản vệ còn được xử trí kịp thời. Thân mến.
Tôi có chuyển phôi 2 lần nhưng không đạt kết quả. Bác sĩ cho hỏi, tôi nên uống thuốc gì để dễ đậu thai? Cảm ơn bác sĩ!
Chào chị,
Trong điều trị vô sinh hiếm muộn, chúng tôi cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới chuyển phôi không thành công để có hướng điều trị phù hợp. Trước tiên chúng tôi có thẻ tiến hành các thăm khác khác tìm nguyên nhân nếu có như soi buồng tử cung... từ đó có hướng điều trị tốt nhất cho chị.
Nếu không rõ nguyên nhân chúng tôi có thể dùng thêm các biện pháp để làm tăng độ nhạy niêm mạc tử cung, từ đó làm tăng tỷ lệ có thai như cào xước niêm mạc tử cung trước chuyển phôi, bơm huyết tương giàu tiểu cầu vào trong buồng tử cung trước chuyển phôi hoặc làm Era test... Do đó, chị cần đi khám lại ở chu kỳ kế tiếp để bác sĩ có thể kiểm tra và tư vấn chi tiết hơn cho chị. Chúc chị sớm có tin vui!
Bác sĩ cho em hỏi, bị bệnh nền động kinh có tiêm được vaccine Covid-19 không ạ?
Chào bạn! Bệnh động kinh vẫn tiêm được vaccine Covid, tuy nhiên bạn cần chú ý 3 điều sau:
- Thứ nhất: Nên tiêm tại bệnh viện, đặc biệt là những cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu ban đầu.
- Thứ hai: Trước khi tiêm cần thông báo cho bác sĩ khám lâm sàng tình trạng bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng để có chỉ định tiêm phù hợp. Sau khi tiêm cần ở lại cơ sở tiêm theo dõi từ 1-2 tiếng.
- Thứ ba: Mua sẵn thuốc hạ sốt để nếu cặp nhiệt độ > 38 độ thì uống ngay.
Ngoài ra, nếu có bất kỳ vấn đề gì bất thường thì bạn nên đến viện khám ngay.
Tôi bị giật ở vùng bọng mắt trái 2 tuần nay, giật liên tục, ngưng 1 đoạn rồi lại giật khoảng 15-20 giây thì ngưng. Đây có phải có ảnh hưởng đến thần kinh không bác sĩ?
Chào bạn,
Đây là một biểu hiện của thần kinh. Tình trạng này có thể có 2 khả năng: khả năng thứ nhất là bị chứng co thắt nửa mặt, chứng này thường biểu hiện là các cơn co thắt cơ ở nửa mặt, co tự động, thường có cơ miệng là kéo khóe miệng sang một bên, chứng co thắt nửa mặt thường do một mạch máu đụng và nhịp đập của mạch máu đụng vào dây thần kinh sọ số 7. Chứng này lúc mới xuất hiện thì đến rồi đi, tuy nhiên về sau tình trạng xuất hiện thường xuyên và tăng dần làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh dù chứng này không gây nguy hiểm đến tính mạng; khả năng thứ hai là chứng lăn tăn cơ vùng mắt, chứng này thường xảy ra khi căng thẳng, lo lắng và không để lại hậu quả gì.
Dạ bác sĩ cho em hỏi, em bị dị ứng thuốc sốc phản vệ độ 3 (bị 2 lần), như vậy em có tiêm vắcxin Covid-19 được không ạ? Em cảm ơn.
Chào bạn, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nếu bạn bị dị ứng thuốc và được chẩn đoán phản vệ độ 3 vẫn không chống chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19 nhé. Tuy nhiên, bạn nên vaccine tại bệnh viện để được các bác sĩ lưu ý và dặn dò theo dõi sau khi tiêm.
Chào bác sĩ.
Em đang bị lạc nội mạc tử cung kèm nang buồng trứng kích thước 8cm. Khoảng 3 ngày nay có dấu hiệu đau ở rốn (đau bên trong lỗ rốn khi động vào/ấn xuống).
Bác sĩ cho hỏi việc đau lỗ rốn có liên quan đến u nang buồng trứng không? Hay là triệu chứng của 1 bệnh khác ạ?
Trước đây em ko gặp tình trạng này.
Mong được bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ!
Chào em,
Theo thông tin em cung cấp, với u nang buồng trứng khoảng 8cm (em không nói rõ là loại u gì) thông thường không gây đau tại lỗ rốn mà thường đau 1 bên hố chậu. Nhưng để an toàn và chẩn đoán được chính xác, em nên thăm khám chuyên khoa để thực hiện thêm các thăm dò chuyên sâu hơn, từ đó bác sĩ có thể chọn hướng điều trị tốt nhất cho em.
Để đặt lịch khám Sản Phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, em có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP.HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Kính thưa bác sĩ. Con trai tôi 25 tuổi cháu có những biểu hiện như lo lắng, bồn chồn, dễ cáu gắt, dễ bị kích động, ít nói chuyện với gia đình… Tôi lo lắm. Xin bác sĩ tư vấn giúp dùm tôi. Tôi cảm ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Biểu hiện trên vừa có thành phần lo âu như lo lắng, bồn chồn; thành phần rối loạn khí sắc như ít nói chuyện với gia đình; và thành phần của lo âu và rối loạn khí sắc như dễ cáu gắt, dễ kích động. Trường hợp này gia đình nên động viên, hỗ trợ tâm lý cho cháu. Nếu các biện pháp hỗ trợ vẫn không cải thiện thì cần đưa cháu đến khám ở chuyên khoa tâm thần kinh. Thân mến!
Mẹ tôi năm nay 82 tuổi, bị bệnh tim mạch 03 năm nay, thường nhập viện khi quá mệt. Bà đã chụp mạch vành kết quả hẹp 30%, được chẩn đoán khi thì suy tim, khi thì thiếu máu cơ tim cục bộ mãn. Hiện đang dùng thuốc hàng ngày 1/2v Bisoloc 2,5mg, 01 viên Clopistad 75 và thuốc bổ. Nhưng tình hình bệnh không ổn định khi cứ khoảng 5-10 ngày lại lên cơn mệt, khó thở, đau ngực (trước khi cơn mệt xảy ra thường bị lạnh 2 chân), khi mệt cho ngậm 1/2v Isordil 10 khoảng 30 phút hết mệt.
Thưa bác sĩ, có phải bệnh của mẹ tôi là không thể chữa khỏi hoàn toàn dù phải dùng thuốc hàng ngày?
Chào bạn,
Theo thông tin mà bạn cung cấp có thể thấy hiện tại mẹ bạn chưa có một chẩn đoán rõ ràng hoặc chính xác về bệnh lý tim mạch của bà. Với các chẩn đoán suy tim hoặc thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính thì đơn thuốc bà đang duy trì cũng chưa đầy đủ và phù hợp. Các triệu chứng mệt, khó thở, đau ngực lặp đi lặp lại thường xuyên rất chỉ điểm cho một tình trạng suy tim cấp hoặc bệnh lý đau thắt ngực không ổn định. Theo chúng tôi, bà nên được thăm khám và làm các thăm dò chẩn đoán bệnh lý tim mạch một cách hệ thống và đầy đủ, từ đó bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và điều trị phù hợp nhất.
Nếu có thể, mời bạn đưa bác đến phòng khám chuyên khoa tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Tại đây, chúng tôi có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, đã được đào tạo, từng công tác tại các bệnh viện uy tín. Chúng tôi cũng có các trang thiết bị hiện đại nhất trong khảo sát và thăm dò tim mạch như máy siêu âm tim 3D, máy chụp MSCT 128 dãy mạch vành, máy chụp cộng hưởng từ tim. Với tình trạng của bác, chúng tôi cảm thấy rất lo ngại và mong được đưa ra cho bác một phác đồ điều trị tốt nhất.
Về câu hỏi thứ 2, bệnh lý của mẹ bạn dù là suy tim hay thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính thì đều là các bệnh cần điều trị lâu dài, thường xuyên, bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể ổn định và giảm mức độ tiến triển nhờ vào việc dùng thuốc đúng và đủ. Chúc mẹ bạn sớm được thăm khám và có điều trị phù hợp! Thân mến!
Em tiêm vắc xin gần 2 tháng rồi thì có triệu chứng khó thở sau tiêm khoảng 3 ngày, đến nay triệu chứng khó thở vẫn tiếp tục không dứt. Bác sĩ cho em hỏi, em cần làm gì và tình trạng có nghiêm trọng không ạ?
Chào bạn, khó thở là một cảm giác chủ quan và có nhiều nguyên nhân gây khó thở như các bệnh lý về hô hấp, tim mạch, tâm lý... Do đó, chỉ với triệu chứng này chưa thể kết luận tình trạng của bạn có phải do tiêm vắc xin hay không. Bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế có phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, chỉ định một số xét nghiệm như chụp X-quang ngực, đo chức năng hô hấp, điện tâm đồ... từ đó đưa ra chẩn đoán về phương pháp điều trị cho bạn. Chúc bạn mau khỏe!
Năm 2019 tôi uống thuốc ho xi rô bổ phổi, sau 10 phút tôi bị tụt huyết áp, mạch không rõ... sưng mặt, sưng phù tay chân, hoa mắt phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Trong khi tôi có nhiều bệnh uống thuốc tây, tiêm thuốc đều không sao. Bác sĩ cho hỏi như vậy nếu tôi tiêm vắc xin ngừa Covid thì có nguy hiểm không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Bác Lực thân mến,
Bác có thể bị dị ứng với thuốc này nhưng không dị ứng với loại thuốc khác, nên mình biết loại thuốc gây phản vệ thì tránh không sử dụng lần sau. Bác chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 thì bác sĩ cũng không biết bác có bị dị ứng hay nguy hiểm gì không. Trong lúc này, mọi người cần tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền. Bác nên đến bệnh viện để tiêm và cần theo dõi sát sau tiêm. Trường hợp có xảy ra phản ứng phản vệ sẽ được xử trí kịp thời tại bệnh viện. Thân mến!