Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch
Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.
Chào các bác sĩ, cháu bị đau lưng, cảm giác quay người khó khăn. Bác sĩ thăm khám, cho chụp phim thì phát hiện cháu bị gai đốt sống và thoái hóa. Cháu muốn hỏi có phương pháp điều trị dứt điểm không và ảnh hưởng về lâu dài thế nào? Cảm ơn các bác sĩ.
Chào bạn,
Thoái hóa cột sống không thể điều trị dứt điểm, người bệnh chỉ có thể chung sống "hòa bình" với bệnh mà thôi. Do đó, bạn cần được thăm khám kỹ để đánh giá xem có cần phẫu thuật hay không. Nếu không có chỉ định phẫu thuật, bạn sẽ được điều trị nội khoa bảo tồn như dùng thuốc kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu. Về lâu dài cần có sự phối hợp của vận động, làm việc, dinh dưỡng, thể thao hợp lý để làm chậm quá trình thoái hóa cột sống.
Nếu cần đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) và 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Trân trọng!
Tôi bị tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não, mất ngủ, đau đầu. Tôi thường xuyên dùng thuốc hạ huyết áp mỗi sáng và một viên vactaren. Bác sĩ cho tôi hỏi, dùng lâu dài có bị ảnh hưởng gì không? Dùng lipantin hạ mỡ máu được không? Xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bác,
Tăng huyết áp vô căn là bệnh mạn tính, không chữa khỏi được. Việc điều trị hiện nay nhằm duy trì huyết áp ở ngưỡng tối ưu, phù hợp với từng người bệnh. Việc dùng thuốc của bác nên được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có phác đồ phù hợp. Khi đó, dùng thuốc lâu dài, đều đặn, đúng cách sẽ có lợi cho sức khoẻ của bác.
Về thuốc Lipantin (theo tôi bác đang nhắc đến thuốc Lipanthyl), đây là một thuốc khá phổ biến, thường được chỉ định điều trị tăng triglycerid máu hoặc tăng lipid máu hỗn hợp. Tuy nhiên, việc chỉ định tốt nhất nên được thực hiện bởi bác sĩ nội khoa hoặc chuyên khoa tim mạch. Chúc bác có sức khoẻ ổn định và chất lượng cuộc sống tốt.
Nếu có thêm bất cứ thắc mắc gì, bác có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Trân trọng!
Gần đây, em có bị đau bụng, ợ hơi, trào ngược dạ dày, đêm và gần sáng có hiện tượng nóng rát ngực. Đặc biệt, khi nóng rát ngực trái thì tim của em đập mạnh và có cảm giác lo lắng, bồn chồn, khó thở. Vì cơn đau vào đêm nên gây mất ngủ và mệt mỏi rất nhiều. Do lo lắng bệnh lý tim mạch, em đã đến bệnh viện thăm khám thì được siêu âm tim, chụp cắt lớp CT mạch vành và đeo máy đo tim 24h nhưng kết quả vẫn không có phát hiện bất thường gì của tim mạch.
Hiện tại, em được bác sĩ cho thuốc chống đa thắt ngực và thuốc dạ dày, nhưng hiện tượng đau nóng rát ngực và tim đập nhanh vẫn chưa giảm. Bác sĩ cho em hỏi vấn đề của em là do bệnh gì? Em có bị vấn đề gì về tim mạch nguy hiểm không ạ?
Chào bạn,
Triệu chứng mà bạn miêu tả liên quan rất nhiều đến bệnh lý viêm dạ dày - trào ngược thực quản. Bạn đã được khám chuyên khoa tim mạch và thực hiện một số thăm dò quan trọng về tim mạch hiện đã có kết quả bình thường. Bạn nên đến khám thêm với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được làm thêm một số khảo sát về hệ tiêu hóa (ví dụ nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng...) và có được phác đồ điều trị tối ưu theo đúng chuyên khoa. Hy vọng rằng khi đó triệu chứng khó chịu của bạn sẽ được cải thiện tốt hơn.
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Tôi đi khám thì được bác sỹ chẩn đoán tôi bị cường giao cảm, nhưng không cho thuốc điều trị vì không có thuốc chữa loại bệnh này. Xin hỏi bác sỹ, có cách nào trị bệnh này không? Xin cảm ơn!
Chào bác,
Trường hợp của bác cần được thăm khám thêm để xác định tình trạng bệnh của bác cụ thể là gì. Từ đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với thể trạng của bác. Để tốt nhất, bác cần đến bệnh viện có chuyên khoa Nội thần kinh để được tư vấn và có những chỉ định điều trị phù hợp, kịp thời.
Để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác có thể liên hệ tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM). Chúc bác sớm khỏe!
Chào bác sĩ,
Tôi bị hen suyễn 10 năm, tiểu đường 5 năm. tôi đang điều trị hen theo phác đồ vetonin, pulmicort, nước muối sinh lý sáng và tối, gần trưa trưa và chiều uống mỗi lần một viên saputamon và xịt định liều vetonin.
Xin hỏi bác sĩ dùng như vậy có được lâu không và dùng lâu dài có ảnh hưởng gì tới tiểu đường hoặc nội tạng không? Xin cảm ơn bác sĩ!
Chào bác, theo những gì bác mô tả thì phác đồ điều trị này chưa phải là phác đồ chuẩn, được khuyến cáo cho những bệnh nhân bị hen phế quản. Do đó, có thể sẽ không tạo ra được tác dụng tối ưu trong kiểm soát bệnh và có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Bác nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa về Hô hấp để được thăm khám, tư vấn, hướng dẫn phác đồ điều trị tốt nhất và phù hợp nhất cho bác nhé. Chúc bác chóng khỏe!
Anh trai tôi từng nằm viện vì tâm thần phân liệt. Nay anh ấy đã ra viện nhưng bị mất ngủ hoàn toàn, phải dùng olanzapin thì mới ngủ được. Mong bác sĩ tư vấn cách để thoát khỏi bệnh mất ngủ vì trước khi vào viện anh ấy ăn ngủ bình thường. Xin cám ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Việc điều trị bệnh mất ngủ cần một liệu trình lâu dài với sự tư vấn của bác sĩ về dùng thuốc và chế độ sinh hoạt tập luyện. Bạn nên khuyên anh trai đến bệnh viện có chuyên khoa tâm thần, thần kinh để được điều trị phù hợp.
Anh trai bạn có thể đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thông qua Tổng đài: 1800 6858 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 (tại TP HCM). Chúc anh bạn sớm khỏe.
Chào bác sĩ,
Năm 2019, em mang thai bé đầu lòng được 20 tuần thì bị nhịp nhanh trên thất (I47), nhưng không can thiệp y khoa được và chỉ uống thuốc Betalok Zok 50 mg, mỗi ngày một viên đến khi sinh bé xong. Bé sinh ngày 18/11/2019, nặng 3650 gram, sinh thường.
Đến ngày 21/01/2021, em đã được bệnh viện cắt đốt điện sinh lý thành công với kết luận chức năng nút xoang trong giới hạn bình thường; dẫn truyền qua nút nhĩ thất: có dẫn truyền kép qua nút nhĩ thất với AH jump = 100ms, LW = 410ms, AH = 72ms, HV = 34ms. Có đường dẫn truyền phụ ẩn ở thành bên thất trái chỉ dẫn truyền ngược chiều với thời gian trơ 240ms.
Dễ khởi phát cơn nhịp nhanh thất do vòng vào lại nhĩ thất qua đường dẫn truyền phụ ẩn ở thanh bên thất trái kiểu orthodromic tần số 170 lần/phút. Tiến hành xuyên vách liên nhĩ và mapping tìm vị trí đường dẫn truyền phụ ở thành bên thất trái vị trí 3h. Cắt đốt thành công ở vị trí này. Sau cắt đốt theo dõi 30 phút không tái phát đường phụ LW = 410ms, AH = 86ms, HV = 36ms.
Em mới cắt đốt điện sinh lý đầu năm 2021, giờ tháng 12/2021, em lại mang thai bé thứ hai được 10 tuần, nhưng nhịp tim của em luôn 100-110 lần/phút, có khi 113 lần/phút. Em hỏi có phải nhịp nhanh trên thất của em có thể bị trở lại không, giờ em phải làm gì? Rất mong bác sĩ sớm hồi đáp. Xin chân thành cảm ơn!
Chị Hạ thân mến,
Chị đã được bệnh viện điều trị cắt đốt thành công đường dẫn truyền phụ 1/2021. Từ đó đến nay, chị không có cơn nhịp nhanh nào nữa, kết quả như vậy là rất tốt. Tuy nhiên, đối với điều trị cắt đốt cơn nhịp nhanh vẫn có tỷ lệ tái phát vài % sau đó. Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất do đường phụ nhịp tim thường rất nhanh như chị đã biết trước đó từ 150-180 hoặc có khi đến 200 lần/phút chứ ít khi nào 100-120 lần phút.
Để chẩn đoán xác định có tái phát hay không chị cần đi tái khám lại, đo điện tim để bác sĩ phân tích loại nhịp nhanh này là gì và tìm nguyên nhân nhịp nhanh cho chị. Khi phụ nữ mang thai, thiếu máu, cường giáp... cũng làm tim đập nhanh. Do đó, chị nên khám lại bác sĩ tim mạch để tìm nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp. Thân mến!
Thưa bác sĩ, tôi năm nay 39 tuổi. Khoảng 2 tháng trở lại đây, tôi thỉnh thoảng khi chuyển đổi tư thế di chuyển (như bước chân lên bậc cầu thang hơi cao, bước chân lên ghế hơi cao...) thì có cảm giác đau buốt. Tê dại kiểu như tiêm thuốc tê tại một vùng nhỏ cỡ 1/2 lòng bàn tay ở vị trí đùi bên trái (nếu duỗi thẳng cánh tay trái, điểm đó ở vị trí đầu các ngón tay trái duỗi thẳng). Cơn đau diễn ra tầm 15 giây, sau đó vùng đau cảm giác tê bì, sờ tay vào vùng đó cảm giác hơi gợn gợn. Kính nhờ bác sĩ tư vấn bệnh giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Chào bạn,
Triệu chứng của bạn có đau và rối loạn cảm giác (tê, cảm giác lạ) vùng đùi khi vận động. Khả năng có vấn đề về chèn ép thần kinh ở vùng đùi hoặc một số trường hợp chèn ép rễ thần kinh vùng thắt lưng. Bác sĩ cần thăm khám trực tiếp để xác định tổn thương có thể đến từ đâu và có thể làm thêm điện cơ, siêu âm... để chẩn đoán bệnh một cách chính xác. Trân trọng!
Thưa bác sĩ, tôi năm nay 27 tuổi, mới chuyển phôi lần đầu, 1 phôi ngày 3 loại 2, ngày 25.11 có kết quả không đậu thai. Vậy khi nào tôi nên chuyển phôi tiếp? Có nên tiếp tục khi có kinh ngay trong tháng này không ạ?
Trong quá trình sau khi chuyển phôi, tôi có bị đau bụng đi ngoài, rối loạn tiêu hóa. Vậy đó có phải lí do làm tôi chuyển phôi thất bại không ạ? Vì bệnh viện nơi tôi đang điều trị nói quá trình điều trị của tôi bình thường, không có bất ổn nên việc thất bại chuyển phôi lần 1 là khó xác định nguyên nhân.
Cảm ơn bác sĩ.
Chào chị,
Việc chuyển phôi thất bại liên quan đến nhiều yếu tố bao gồm: chất lượng phôi, nội mạc tử cung và một số bệnh lý kèm theo. Nhiều người phụ nữ gặp phải các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như táo bón hay tiêu chảy sau khi chuyển phôi. Không thể vội vàng kết luận tiêu chảy là nguyên nhân làm chị chuyển phôi thất bại nhưng nếu có các biểu hiện của tình trạng tiêu chảy nặng như đi tiêu phân nước nhiều lần trong ngày, nôn mửa, mất nước, lơ mơ... chị nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Chị có thể tiếp tục chuyển phôi trong chu kỳ tiếp theo. Chị nên quay lại cơ sở nơi mình điều trị để được bác sĩ tư vấn về phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung cũng như các khảo sát bổ sung nếu cần thiết. Chúc chị may mắn và sớm có được tin vui!
Tôi năm nay 61 tuổi, huyết áp đo thường ở 14, có phải bệnh tăng huyết áp không, có phải uống thuốc huyết áp không? Mong bác sĩ tư vấn giúp, xin cảm ơn!
Chào bác,
Chỉ số huyết áp 140/90 mmHg trở lên là có bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, bác sĩ cần đánh giá thêm các yếu tố nguy cơ khác như có kèm đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, hút thuốc lá, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm... để đưa ra hướng điều trị phù hợp. Do đó, bác nên đến bệnh viện khám để được đánh giá toàn diện nguy cơ tim mạch, từ đó có hướng điều trị cụ thể.
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 (tại TP HCM) để được hỗ trợ. Trân trọng!
Tôi bị cứng các khớp, nhất là khớp gối, cứng các ngón tay, đứng lên ngồi xuống rất khó khăn. Tôi đã đi khám, bác sĩ nói tôi bị thoái hóa khớp. Bác sĩ đã kê đơn thuốc uống, chích bổ sung chất nhờn nhưng bệnh không khỏi. Hằng ngày, tôi có uống thêm canxi, glucosamin liều 1500 mg nhưng bệnh vẫn không bớt. Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, xin cảm ơn.
Chào chú,
Theo như mô tả chú đã được chẩn đoán thoái hóa khớp gối. Theo định nghĩa y khoa, đó là tình trạng tổn thương lớp sụn của khớp, nguyên nhân thông thường là nguyên phát do lứa tuổi hoặc thứ phát sau các chấn thương. Hiểu nôm na thì chúng ta già đi thì khớp gối của mình cũng già và yếu đi, có điều mình đã đi đứng sử dụng nó nhiều năm, đi đứng chạy nhảy nên nhiều khi khớp của mình còn già hơn cả mình.
Việc điều trị thoái hóa khớp sẽ tùy vào tình trạng và mức độ thoái hóa cũng như lứa tuổi bệnh nhân. Các biện pháp không mổ bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, các thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm, các chế phẩm tiêm vào khớp như acid hyaluronic, PRP, steroid... kèm các bài tập vật lý trị liệu vùng khớp gối, thay đổi lối sống tránh các tư thế xấu cho khớp.
Các biện pháp can thiệp phẫu thuật bao gồm phẫu thuật đục xương chỉnh trục, nội soi cắt lọc khoan kích thích, ghép sụn, bơm tế bào gốc... và cuối cùng là thay khớp gối nhân tạo. Nhờ vào sự tiến bộ của kỹ thuật và dụng cụ mà ngày nay các phẫu thuật từ đục chỉnh trục, nội soi hay thay khớp đều diễn ra nhẹ nhàng, kết quả tốt, ít đau đớn giúp bệnh nhân phục hồi sớm trở lại với các hoạt động thường ngày.
Chính vì vậy, chú đừng ngần ngại đến thăm khám để bác sĩ đưa ra quyết định phù hợp với tình trạng và mức độ bệnh của mình. Đừng để những cơn đau do thoái hóa khớp gây lo âu, buồn rầu và ảnh hưởng đến chất lượng sống chú nhé. Chúc chú mau khỏe.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, chú có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM) để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Trân trọng!
Chào bác sĩ, tôi bị đau hai gót chân, đau và khó chịu nhất là lúc sáng sớm khi mới ngủ dậy bước đi trên nền nhà. Tôi đã khám tại một bệnh viện ở Đà Nẵng thì được chẩn đoán viêm cân gan bàn chân và cho thuốc uống. Sau uống thuốc, bệnh có giảm nhưng chỉ sau vài tuần là đau lại. Tôi mong bác sĩ tư vấn cách điều trị dứt điểm. Tôi xin cảm ơn!
Chào bác,
Bệnh lý viêm cân gan chân rất thường gặp và hay bị tái phát. Việc điều trị bao gồm dùng thuốc kháng viêm đường uống, tiêm corticoid tại chỗ, một số bài tập căng giãn cân gan chân, mang dép đế mềm khi đi lại, mang nẹp chỉnh hình, vật lý trị liệu bằng shock wave... và các trường hợp mạn tính dai dẳng có thể cần phải phẫu thuật.
Bác cần đến khám lại để bác sĩ xác định mức độ tái phát cũng như kiểm tra xem đã kết hợp đủ các biện pháp điều trị tối ưu chưa để có thể kiểm soát bệnh tốt hơn về lâu dài. Thân mến!
Tôi bị hở van tim 3 lá 1/4 đã 4 năm. Tôi uống thuốc xong không còn mệt và đau nữa nên ngưng uống thuốc và cũng không khám khoảng một năm nay. Giờ tôi thấy đau ngực, thở không nổi, cứ khoảng 10 phút là lấy hơi lên mà dịch bệnh quá tôi không đi khám bệnh được. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi.
Chị Muội thân mến,
Hở van 3 lá 1/4 là tình trạng hở van tim nhẹ. Trong 10 người khỏe mạnh, bình thường làm siêu âm tim đều có hở van 3 lá 1/4, gọi là hở van sinh lý, không phải bệnh lý và không gây khó thở. Hiện tại, chị bị đau ngực, khó thở có thể là do nguyên nhân khác như thiếu máu cơ tim, trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh cơ xương thần kinh thành ngực, rối loạn lo âu... Hiện tại, nếu chị đã tiêm ngừa vaccine Covid-19 đủ 2 mũi thì chị có thể đến bệnh viện để được bác sĩ trực tiếp thăm khám, tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 (tại TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Chào bác sĩ, tôi bệnh gout 8 năm nay, có tìm hiểu và kiêng ăn nhiều loại thức phẩm như nội tạng heo, hải sản tôm cua và các loại rau có chất purin, đậu hủ hay giá sống, hạn chế rượu bia. Khoảng 7 tháng nay, tôi ăn rau cải xanh và rau tía tô mỗi ngày theo nhiều lời khuyên trên google, nhưng bệnh gout không cải thiện, vẫn ở chỉ số 555 mol. Hiện nay, ngón tay cò súng bàn tay phải của tôi co duỗi bị đau. Mong bác sĩ có lời khuyên để giảm bệnh gout trong cơ thể. Cảm ơn bác sĩ.
Chào chú,
Đối với bệnh nhân bị viêm khớp gout, việc thay đổi chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị. Tuy nhiên, việc tuân thủ chế độ ăn uống khoa học chỉ giúp hỗ trợ chứ không thay thế các biện pháp điều trị bằng thuốc. Để làm hạ axit uric về ngưỡng mục tiêu điều trị, người bệnh nên được sử dụng lâu dài các thuốc hạ axit uric máu như allopurinol, febuxostat...
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu điều trị người bệnh cần được sử dụng song song với các thuốc dự phòng đợt cấp. Điều trị bằng thuốc không chỉ làm hạ axit uric, ngăn ngừa các đợt sưng đau khớp tái phát mà còn giảm các biến cố nghiêm trọng như suy thận, bệnh lý tim mạch... Do đó, lời khuyên dành cho chú là nên đi khám và điều trị thuốc liên tục để tránh biến chứng lâu dài.
Một số thông tin trao đổi cùng chú. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, chú có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM). Trân trọng!
Cháu năm nay 22 tuổi, bị rách sụn tam giác cổ tay phải và đã trải qua phẫu thuật cách đây hơn một năm. Trước đó vài năm cháu bị gãy tay và được chẩn đoán là bong sụn. Sau khi mổ xong tới giờ cháu vẫn bị đau ở cổ tay ạ. Vậy cháu có khả năng phục hồi hoàn toàn không hay là vẫn sẽ đau suốt và bị yếu hơn?
Chào bạn,
Bạn bị chấn thương vùng sụn sợi tam giác đã được phẫu thuật hơn 1 năm. Sau khi mổ xong bạn vẫn đau cổ tay có thể là do 3 nguyên nhân:
- Vùng sợi tam giác được phẫu thuật không lành hẳn
- Bong sụn chưa được xử lý triệt để
- Phục hồi chức năng chưa đúng cách
Vì thế, bạn đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra. Nếu tình trạng này kéo dài, khả năng vận động của bạn sẽ bị hạn chế và dẫn đến tình trạng bị cứng khớp cổ tay. Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ chỉ định bạn chụp cộng hưởng từ MRI, xác định nguyên nhân chính là gì, từ đó đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Nếu chấn thương được xử lý tốt, bạn sẽ được hướng dẫn cho tập phục hồi chức năng. Nếu chấn thương chưa được xử lý triệt để, có thể bạn sẽ cần phải mổ lại để hồi phục hoàn toàn.
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 (tại TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!